,

An toàn bức xạ

Nâng cao các biện pháp bảo vệ bức xạ trong thực hiện kỹ thuật can thiệp y tế dưới hướng dẫn của thiết bị chẩn đoán hình ảnh tia X

Theo dữ liệu thống kê năm 2020, trên toàn thế giới có 24 triệu ca điều trị can thiệp dưới hướng dẫn hình ảnh được thực hiện, tăng gấp 6 lần trong thời gian hơn 10 năm. Tuy nhiên, kỹ thuật này hiện còn tồn tại một nhược điểm đó là lượng bức xạ phát ra từ thiết bị một cách liên tục gây nên liều tích lũy lớn
 

X-quang tăng sáng truyền hình là thiết bị cho phép thấy được hình ảnh nội tạng cơ thể theo thời gian thực bằng cách chiếu liên tục chùm tia X qua cơ thể bệnh nhân và thu nhận tín hiệu để tạo thành hình ảnh. Việc bảo vệ chống bức xạ đối với bệnh nhân và nhân viên y tế trong quá trình thực hiện các kỹ thuật là vô cùng quan trọng.
 

Các kỹ thuật điều trị can thiệp y tế dưới hướng dẫn hình ảnh đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới do những lợi ích và ưu điểm so với phẫu thuật truyền thống như: phạm vi xâm lấn cơ thể ở mức tối thiểu, độ rủi ro thấp, thời gian nằm viện ngắn hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn. Theo dữ liệu thống kê năm 2020, trên toàn thế giới có 24 triệu ca điều trị can thiệp dưới hướng dẫn hình ảnh được thực hiện, tăng gấp 6 lần trong thời gian hơn 10 năm. Tuy nhiên, kỹ thuật này hiện còn tồn tại một nhược điểm đó là lượng bức xạ phát ra từ thiết bị một cách liên tục gây nên liều tích lũy lớn. Nếu không có các biện pháp che chắn và phòng ngừa thích hợp, cả bệnh nhân và các nhân viên y tế có thể bị tiếp xúc một cách không cần thiết với bức xạ phát ra từ thiết bị trong quá trình thực hiện điều trị can thiệp, có thể gây ra các tổn thương da ở bệnh nhân và đục thủy tinh thể đối với nhân viên y tế. Thông thường, các biểu hiện ở mô chỉ là đỏ da hoặc rụng tóc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt khi sử dụng liều bức xạ cao hơn, các phản ứng nghiêm trọng hơn như hoại tử da có thể phát sinh sau khoảng vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí là vài năm sau đó.

Theo Ông Jenia Vassileva - chuyên gia về bảo vệ bức xạ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), vấn đề bảo vệ bức xạ trong y tế đang xuất hiện những thách thức mới do sự phát triển về số lượng cũng như sự gia tăng về độ phức tạp của các kỹ thuật can thiệp dưới hướng dẫn của thiết bị chẩn đoán hình ảnh tia X. Bên cạnh đó, vẫn còn những lỗ hổng đang tồn tại trong xây dựng các hướng dẫn, quy trình kỹ thuật và đào tạo để cải thiện vấn đề bảo vệ bức xạ cho bệnh nhân và nhân viên y tế.

Để hỗ trợ cộng đồng y học, trong tháng 3/2022, IAEA đã tổ chức một hội nghị trực tuyến với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia đến từ 42 quốc gia và 18 tổ chức quốc tế và cơ quan chuyên môn để thảo luận về những tiến bộ đạt được và những thách thức đối với vấn đề bảo vệ bức xạ y tế trong thực hiện các kỹ thuật điều trị can thiệp dưới hướng dẫn của thiết bị X-quang tăng sáng. Hội nghị tập trung vào việc đề xuất các biện pháp tăng cường khả năng bảo vệ bức xạ cho bệnh nhân và nhân viên y tế khi thực hiện các kỹ thuật này.

Theo ông Stephen Balter, Giáo sư về X-quang lâm sàng và Y khoa của Đại học Columbia, Hoa Kỳ - Chủ tọa Hội nghị của IAEA, nguy cơ chiếu xạ liều cao đối với nhân viên y tế và bệnh nhân ngày càng lớn do việc gia tăng quy mô của bệnh nhân và sự phức tạp hơn của các kỹ thuật điều trị can thiệp đòi hỏi phải sử dụng thiết bị X-quang tăng sáng với thời gian dài hơn và mức độ thường xuyên hơn. Tuy nhiên, các trường hợp chiếu xạ gây phản ứng mô nghiêm trọng ngoài ý muốn chủ yếu chỉ xảy ra do người thực hiện kỹ thuật thiếu kiến thức và chuyên môn. Điều quan trọng là phải lập kế hoạch điều trị một cách chu đáo, nhất là đối với các bệnh nhân béo phì và những người phải thực hiện nhiều thủ thuật điều trị. Đồng thời, phải liên tục theo dõi liều lượng bức xạ tích lũy và chủ động theo dõi các phản ứng da có thể xảy ra trong trường hợp phải sử dụng một lượng bức xạ đáng kể trong những quy trình điều trị phức tạp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng được giới thiệu về những tiến bộ mới nhất của công nghệ X-quang tăng sáng như Bản đồ phân bố liều bức xạ da theo bảng màu hoặc thang màu xám một cách trực quan tương ứng với liều bức xạ đến các vùng da của bệnh nhân. Điều này cho phép người vận hành thiết bị theo dõi được liều lượng và qua đó điều chỉnh cài đặt thông số cũng như quy trình điều trị một cách tối ưu và giảm thiểu bức xạ đối với bệnh nhân. Trong suốt 20 năm qua, những nỗ lực cải tiến không ngừng đối với thiết bị X-quang tăng sáng và các thiết bị y tế phụ trợ góp phần lớn trong việc giảm đáng kể các trường hợp bị thương ngoài da do bức xạ khi thực hiện các kỹ thuật điều trị có sử dụng thiết bị chẩn đoán hình ảnh tia X.

Bên cạnh đó, việc giám sát liều lượng bức xạ đối với nhân viên y tế cũng là một thách thức ở nhiều quốc gia. Các nỗ lực nhằm tăng cường bảo vệ đã được thực hiện như sử dụng liều kế điện tử thời gian thực, hệ thống video theo dõi tự động nhân viên và thiết bị mô phỏng ảo. Ngoài ra, liều lượng bức xạ đối với nhân viên y tế cũng có thể được ghi lại trong cơ sở dữ liệu quốc tế ISEMIR-IC của IAEA để đánh giá và tối ưu hóa việc thực hành. Việc nâng cao nhận thức của nhân viên y tế về bảo vệ bức xạ nhằm giảm thiểu phơi nhiễm cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân vẫn còn là một chặng đường dài. Hiện nay, IAEA đang cung cấp các khóa đào tạo theo định hướng thực hành thông qua các video, chẳng hạn như hướng dẫn thực hành mới của IAEA về bảo vệ bức xạ trong thực hiện các quy trình can thiệp mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Để thu hẹp những khoảng trống hiện có trong dữ liệu về phản ứng mô ở bệnh nhân và để so sánh giữa các phương pháp thực hành quốc tế, IAEA đã khởi động một nghiên cứu quốc tế về liều lượng bệnh nhân và phản ứng mô từ các quy trình can thiệp dưới hướng dẫn của thiết bị X-quang tăng sáng. Dự án của IAEA kéo dài 1 năm sẽ nghiên cứu tần suất xuất hiện của các phản ứng mô và mối quan hệ giữa chúng với các yếu tố liên quan, chẳng hạn như các thông số liều lượng từ các quy trình can thiệp. Mục tiêu của nghiên cứu là thu thập dữ liệu trên toàn cầu, qua đó sẽ giúp cập nhật các giá trị liều được sử dụng và bắt đầu các quy trình theo dõi đối với một bệnh nhân có nguy cơ bị phản ứng da do bức xạ. Nghiên cứu này đồng thời sẽ giúp phát triển hệ thống báo cáo tự nguyện SAFRAD (Safety in Radiological Procedures - An toàn trong các thủ tục phóng xạ) của IAEA.

 

Trung tâm Thông tin và Tư vấn hạt nhân (biên dịch, nguồn: iaea.org)

 

Nguồn: http://vaea.gov.vn

Tin cùng chuyên mục