,

An toàn bức xạ

Phái đoàn của IAEA cho biết Việt Nam cam kết bảo đảm an ninh hạt nhân, khuyến khích cách tiếp cận tích hợp để hoàn thiện cơ chế an ninh hạt nhân quốc gia

Ngày 03/4/2023, Đoàn chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã kết thúc Đoàn đánh giá an ninh hạt nhân quốc tế (INSServ) tại Việt Nam
Đoàn chuyên gia cho biết Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thiết lập một cơ chế an ninh hạt nhân quốc gia hiệu quả đối với vật liệu hạt nhân hoặc vật liệu phóng xạ khác nằm ngoài kiểm soát pháp quy. Đoàn đã khuyến khích các cơ quan chức năng của Việt Nam tích hợp hơn nữa các hệ thống và biện pháp hiện có vào chính sách an ninh hạt nhân quốc gia.
 
 
Đoàn chuyên gia INSServ đến thăm Cảng biển Cát Lái ở Thành phố Hồ Chí Minh là hoạt động thăm quan kỹ thuật trong chuyến công tác kéo dài 10 ngày tại Việt Nam.(Ảnh: F. Liu/IAEA)
 

Đoàn đánh giá trong lĩnh vực này được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam - theo yêu cầu của Chính phủ và do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Cục ATBXHN) chủ trì từ ngày 19 đến ngày 31 tháng 3.
Nhiệm vụ của Đoàn INSServ nhằm giúp các Quốc gia ngăn chặn, phát hiện và ứng phó tốt hơn với các hành vi phạm tội và cố ý trái phép liên quan đến vật liệu hạt nhân hoặc vật liệu phóng xạ khác bị thất lạc, đánh cắp, sử dụng không đúng cách hoặc không được lưu trữ hoặc xử lý đầy đủ. Những trường hợp này được gọi là Vật liệu ngoài kiểm soát pháp quy hoặc MORC.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, Đoàn INSServ đã gặp và làm việc các cán bộ có liên quan để thảo luận, xem xét các luật và quy định của Việt Nam. Đoàn đã đánh giá vai trò và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề an ninh hạt nhân và các bên liên quan. Ví dụ, Đoàn đã xem xét công tác phối hợp giữa Cục ATBXHN và các cơ quan chức năng khác như Tổng cục Hải quan/Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ủy ban Quốc gia về Ứng phó sự cố và Tìm kiếm Cứu nạn (VINASARCOM).
Đoàn chuyên gia cũng đã thực hiện các chuyến thăm thực tế tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn đã quan sát các Cán bộ Tiền tuyến của Việt Nam vận hành thiết bị cổng phát hiện phóng xạ (RPM) tại Sân bay Quốc tế Nội Bài và tại Cảng biển Cát Lái. Đại diện Bộ Công an đã trình bày báo cáo về hệ thống các biện pháp bảo đảm an ninh hạt nhân cho các sự kiện lớn.
Bà Elena Buglova, Giám đốc Ban An ninh hạt nhân của IAEA cho biết: “Một nền văn hóa an ninh hạt nhân vững chắc và sự hợp tác suôn sẻ giữa các bên liên quan là điều cần thiết để phát hiện và ứng phó với các hành vi tội phạm liên quan đến vật liệu hạt nhân hoặc vật liệu phóng xạ”. “Thông qua việc đề nghị thực hiện Đoàn đánh giá INSServ, Việt Nam đã thể hiện cam kết tập trung hơn nữa vào các lĩnh vực như khung pháp lý và quy định về an ninh hạt nhân liên quan đến MORC, tính bền vững của các hệ thống và biện pháp phát hiện cũng như hệ thống ứng phó liên quan đến MORC.”
Đoàn INSServ đã đưa ra một số khuyến cáo cho Việt Nam để tăng cường cơ chế an ninh hạt nhân liên quan đến MORC. “Chúng tôi tập trung vào mục tiêu làm thế nào để các cơ quan chức năng của Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các tổ chức liên quan, cũng như tính hiệu quả của các hệ thống và biện pháp an ninh hạt nhân hiện có tại các cảng biển và sân bay quốc tế của quốc gia bằng cách đặt các thành tố trên trong một cấu trúc phát hiện an ninh hạt nhân quốc gia,” phát biểu của ông Khammar Mrabit, nguyên Giám đốc Cơ quan An toàn và An ninh bức xạ và hạt nhân của Ma-rốc (AMSSNuR) và là một Thành viên của Quốc hội Ma-rốc, người đã lãnh đạo Đoàn công tác kéo dài mười ngày này. Đoàn gồm bốn chuyên gia an ninh hạt nhân khác đến từ Brazil, Malaysia, Pakistan, Hoa Kỳ và một chuyên gia của IAEA.
Đoàn cũng chỉ ra một số thực tiễn tốt, bao gồm hợp tác song phương của Việt Nam với các nước khác để chia sẻ thông tin nhằm hiểu rõ hơn về các mối đe dọa và kích hoạt các cơ chế ứng phó kịp thời; một chương trình nghiên cứu về các thiết bị phát hiện bức xạ để bảo đảm cách tiếp cận bền vững ở cấp quốc gia đang được triển khai; và xây dựng năng lực về hệ thống các biện pháp bảo đảm an ninh hạt nhân cho các sự kiện lớn.
Ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu: “Chúng tôi vui mừng bày tỏ sự cảm ơn IAEA đã chấp nhận đề nghị của Việt Nam trong việc triển khai Đoàn đánh giá an ninh hạt nhân quốc tế (INSServ) 2023. Chúng tôi hi vọng các khuyến nghị của Đoàn sẽ giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về cơ chế an ninh hạt nhân quốc gia liên quan đến MORC, điều này sẽ góp phần tăng cường năng lực hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này”.


Thông tin chung
Đoàn công tác này là Đoàn INSServ thứ 84 do IAEA thực hiện kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2006.
Các Đoàn đánh giá INSServ, dựa trên các tài liệu hướng dẫn thực hiện INSServ được xuất bản vào năm 2019, đã hỗ trợ các Quốc gia thiết lập, duy trì và hoàn thiện cơ chế an ninh hạt nhân liên quan đến vật liệu hạt nhân và vật liệu phóng xạ ngoài kiểm soát pháp quy.
Các Đoàn đánh giá cung cấp tư vấn độc lập về việc thực hiện các công cụ quốc tế, cùng với các tài liệu hướng dẫn của IAEA về phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các hành vi phạm tội và cố ý trái phép liên quan đến vật liệu hạt nhân và vật liệu phóng xạ ngoài kiểm soát pháp quy.

 

Nguồn: Cục ATBXHN

Tin cùng chuyên mục