Nâng tầm sản phẩm
Cây chè Shan tuyết là một trong những sản phẩm có thế mạnh của huyện Na Hang và cũng là điển hình trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Từ năm 2000, để phát huy tiềm năng, đồng thời thực hiện phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tỉnh đã thực hiện dự án trồng rừng bằng chè Shan tuyết với trên 1.000 ha, tập trung ở các xã Sinh Long, Hồng Thái, Khau Tinh, Thượng Nông, Thượng Giáp, Sơn Phú. Trước đây chè Shan tuyết chưa có thương hiệu, chưa được người dân chú trọng chăm sóc thì giá trị của cây chè rất thấp.
Để phát huy thế mạnh của địa phương, huyện Na Hang khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng chè đặc sản; triển khai, sử dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để phát triển, khuyến khích nâng cao hiệu quả từ sản xuất, chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm chè; đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè.
Đến nay, sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Khi chưa có thương hiệu giá 1 kg chè Shan tuyết chỉ 200 đến 250 nghìn đồng, thì nay giá trị có thể lên đến 1,2 triệu đồng/kg. Chè Shan tuyết đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo chủ lực của huyện vùng núi cao Na Hang.
Giới thiệu chè Shan tuyết Na Hang cho khách du lịch.Tuyên Quang là tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, chiếm trên 23% sản lượng khai thác của toàn vùng. Với lợi thế này, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng. Với chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến sâu, tạo ra sản phẩm gỗ rừng trồng đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu. Vừa qua, sản phẩm giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa được công nhận Thương hiệu Quốc gia. Đây cũng chính là nền tảng, cơ hội để kinh tế lâm nghiệp của tỉnh cất cánh, góp phần tạo lập thương hiệu cho ngành chế biến gỗ Tuyên Quang, nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống cho người lao động và người dân trồng rừng.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 293 sản phẩm/dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; trong đó có trên 70 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; có 4 sản phẩm được cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, gồm: Cam sành Hàm Yên, Bưởi Soi Hà, Chè Shan tuyết Na Hang và Rượu ngô men lá Na Hang. Cùng với đó, toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tuyên Quang là tỉnh đứng thứ 4 trong các tỉnh miền núi phía Bắc có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất.
Thực tế cho thấy, từ khi được chứng nhận nhãn hiệu, nhiều sản phẩm tiếp tục khẳng định được lợi thế để vươn xa hơn trên thị trường, phát huy hiệu quả kinh tế. Nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô, đầu tư thêm máy móc, thiết bị và có những giải pháp trong quảng bá, nâng cao vị thế sản phẩm.
Đẩy mạnh phát triển thương hiệu
Đối với tỉnh Tuyên Quang, lợi thế phát triển các sản phẩm nông, lâm sản là rất lớn. Chính vì vậy, Nghị quyết số 16-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025 thực sự là cú huých để phát triển nông nghiệp. Từ Nghị quyết 16, HĐNĐtỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên biệt hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND; các địa phương căn cứ vào nghị quyết để xây dựng các đề án về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa. Từ Nghị quyết 16 đã tác động lớn đến nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần tạo dựng cho hàng trăm thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ra đời.
Chỉ tính riêng năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì nhãn mác, tem truy xuất cho 36 nhãn hiệu sản phẩm, với tổng kinh phí trên 3,35 tỷ đồng, trong đó có 25/36 nhãn hiệu chủ thể đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Khách tham quan gian trưng bày nông sản của tỉnh.Đồng chí Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là một trong những hướng đi trọng tâm, cần thiết, góp phần mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là trong thời điểm tỉnh đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Năm 2022, căn cứ kết quả thẩm định và đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Tuyên Quang cho phép 37 tổ chức được sử dụng tên địa danh để lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho 38 sản phẩm. Hiện tại, sở đang phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Chiêm Hóa thực hiện xây dựng, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Chiêm Hóa” cho sản phẩm thịt trâu của huyện Chiêm Hóa, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2023.
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm giúp doanh nghiệp, HTX phát triển bền vững, có thể xúc tiến bán hàng qua nhiều kênh khác nhau để ngày càng mở rộng thị trường, từ đó yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Thương hiệu là một “tài sản” vô giá, nhất là trong tình hình hội nhập kinh tế hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là tài sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục mà còn là công cụ pháp lý để bảo vệ cho doanh nghiệp kinh doanh vững vàng trên thị trường.