Thông tin được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ chiều 28/12 trong hội nghị tổng kết, triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ về bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương PII tại hội nghị tổng kết chiều 28/12. Ảnh: Hoàng Hiếu
Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ thử nghiệm xây dựng và đánh giá bộ chỉ số với 20 địa phương. Mục tiêu xây dựng hệ thống đo lường năng lực nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển từng địa phương.
Kết quả cho thấy 18 địa phương được lọt vào xếp hạng, chia thành 4 nhóm: nhóm dẫn đầu 2 địa phương, nhóm 2 có 4 địa phương, nhóm 3 gồm 8 địa phương và 4 địa phương ở nhóm cuối cùng. Trong đó Hà Nội có điểm số cao nhất là 61.07 (xếp hạng 1), tiếp theo là Đà Nẵng (56.69, hạng 2) và TP HCM (52.27, xếp thứ 3). Sơn La là địa phương có điểm số thấp nhất (26.49, xếp hạng 18). Bên cạnh điểm số và xếp hạng, kết quả từng chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột của mỗi địa phương cũng được chỉ rõ.
Hiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) đánh giá dựa trên 80 tiêu chí. Với Việt Nam, các chỉ số được lựa chọn theo cấu trúc của GII nhưng không tuyệt đối giống để phù hợp với các địa phương (chỉ có 51 chỉ số). "PII được kỳ vọng sẽ là công cụ để mỗi tỉnh/thành phố xác định rõ điểm mạnh, yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Duy nói.
Các chỉ số cơ bản của GII và PII. Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ
Ông Duy cũng lý giải, nếu sử dụng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII, khi tính toán, tại các địa phương có nhiều chỉ số không tương đồng. Nhiều số liệu thống kê ở cấp địa phương không có. Phương pháp đánh giá trong quy chuẩn còn mới lạ nên chưa phù hợp. Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa các địa phương về quy mô kinh tế xã hội, dân số đất đai, định hướng phát triển, nên không thể mang khung áp dụng cho từng địa phương.
Theo đó khung chỉ số PII được xây dựng mang tính tương đồng hơn, giúp từng địa phương có thể soi chiếu, từ đó điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh.
Trong nước hiện có một số bộ chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR Index) hay chuyển đổi số (DTI)...
Trên thế giới có Trung Quốc, Ấn Độ, Columbia, Mỹ và châu Âu cũng triển khai bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ áp dụng cách tiếp cận hệ thống dựa theo bộ chỉ số GII của WIPO.
Kết quả thẩm định từ TS William Becker, chuyên gia về dữ liệu do WIPO chỉ định cho thấy, khung và các chỉ số thành phần thiết kế phù hợp, phản ánh được hiện trạng của đối tượng cần đo lường. Các bước xử lý dữ liệu, tính toán điểm số và thứ hạng được tính toán chính xác, minh bạch và đáng tin cậy.
Theo đó, Thứ trưởng Duy đề xuất Chính phủ cho triển khai chính thức PII từ 2023 trên phạm vi toàn quốc. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc tìm hiểu phương pháp, cách tính toán, ý nghĩa của các chỉ số xếp hạng và cách thức thu thập, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá, xếp hạng.
20 địa phương tham gia thí điểm xây dựng PII: Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, TP HCM, Bình Dương. |