Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 2 bậc
Tháng 10/2023, báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu công bố, Việt Nam tăng hai bậc từ 48 lên 46 so với năm 2022 trên 132 quốc gia, nền kinh tế. Việt Nam duy trì vị trí thứ hai trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, sau Ấn Độ.
Chỉ số đổi mới sáng tạo là bộ công cụ được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới sử dụng để đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia suốt 12 năm. Kết quả phản ánh mô hình phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cải thiện về thể chế, phát triển nguồn nhân lực...
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam qua các năm gần đây. Nguồn: TTXVN. |
Việc tăng hạng của Việt Nam năm 2023 được ghi nhận ở chỉ số đầu vào, gồm 5 trụ cột: thể chế; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp.
Song song với việc ghi nhận chỉ số đầu ra, gồm 2 trụ cột: sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt từng đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đang có xu hướng phát triển tích cực. Cả nước có 20 trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo địa phương, hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 170 trường đại học tổ chức hoạt động khởi nghiệp với 43 vườn ươm. Hồi tháng 10, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã đi vào hoạt động với mục tiêu thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Năm 2023 được lựa chọn là Năm dữ liệu số quốc gia,, với quan điểm dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, là nền tảng của sự phát triển, chúng ta cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Từ cuối năm 2022, tại Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố: "2023 là Năm Dữ liệu số, dứt khoát phải xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia".
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, năm 2023 là năm về dữ liệu. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu; là xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế.
Trên tinh thần đó, năm 2023 dữ liệu số đã phát huy hiệu quả, mà cụ thể là đề án 06 đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Việc cơ sở dữ liệu dân cư được sử dụng vào nhiều dịch vụ công như cấp đổi bằng lái xe, hộ chiếu… online đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu như năm 2020 mới có 10 triệu giao dịch kết nối chia sẻ dữ liệu, thì đến năm 2023 trung bình 1 ngày có 2 triệu giao dịch kết nối chia sẻ dữ liệu. Nhờ đó, đã có 528 thủ tục hành chính được đơn giản hoá, người dân chỉ phải khai báo một lần ví dụ như thủ tục sử dụng Bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh đã giảm thời gian từ 10 phút trước đây xuống còn dưới 10 giây. Thủ tục đăng ký mới doanh nghiệp, đã giảm từ 4 thủ tục riêng biệt mất 16 ngày xuống còn 1 thủ tục duy nhất mất trung bình 6 ngày.
GS Xuân và GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ) được vinh danh Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển tại lễ trao giải VinFuture 2023. |
Giải thưởng VinFuture được khởi xướng từ năm 2020 và trao hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Sau ba năm tổ chức, GS, TS Võ Tòng Xuân, Đại học Nam Cần Thơ trở thành nhà khoa học Việt đầu tiên được xướng tên.
GS Xuân cùng với GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ), được vinh danh Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển với giá trị giải thưởng 500.000 USD. Hai nhà khoa học có công nghiên cứu và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
GS Võ Tòng Xuân (83 tuổi) là nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam. Ông được ví như "cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, ông còn là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam, chuyên hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực.
Trong cuộc cách mạng nông nghiệp, GS Xuân đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến.
Cũng trong tháng 12/2023, Research.com, cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới công bố xếp hạng ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc trên thế giới. Trong số 7 nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam có tên, 5 người trong nước và 2 người ở nước ngoài, gồm: GS, TS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội, xếp hạng 2 thế giới); TS Trần Nguyễn Hải (Trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 603), TSThái Hoàng Chiến (Trường Đại học Tôn Đức Thắng, xếp hạng 621), TS Phùng Văn Phúc (Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, xếp hạng 762) và TS Hoàng Nhật Đức (Trường Đại học Duy Tân, xếp hạng 968).
Ở đợt xếp hạng lần này, Research.com xem xét dữ liệu của 166.880 nhà khoa, có năng suất công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới, sử dụng dữ liệu từ Google Scholar và Microsoft Academic Graph.
Việt Nam gia nhập cuộc đua công nghiệp bán dẫn
Thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam nhằm hiện thực hóa mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn. |
Năm 2023 đánh dấu bước nhảy vọt của Việt Nam trong ngành vi mạch bán dẫn. Đầu tiên phải kể đến cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) được đưa vào sử dụng với kỳ vọng sẽ là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.
Đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, NIC có các hoạt động liên quan đến việc kêu gọi đầu tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, đặc biệt là từ các đối tác Hoa Kỳ.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9 hứa hẹn khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn cho Việt Nam.
Ngay sau đó, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ, một số thỏa thuận ký kết cũng được thực hiện với các hãng bán dẫn lớn của Mỹ, như Synopsys, Qualcomm, Marvell để xây dựng các trung tâm nghiên cứu cũng như đào tạo nhân sự.
Cùng với đó, trong năm nay, ngoài Intel, thì Amkor và Hana Micro cũng tuyên bố đầu tư lần lượt 1,6 và 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam.
Ở lĩnh vực khoa học công nghệ ứng dụng đời sống phải kể đến bước tiến của Viettel triển khai thành công trạm thu phát sóng 5G theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới. Viettel cũng là đối tác đầu tiên trên thế giới triển khai sản phẩm Qualcomm vào mạng lưới với người dùng thực, tải dữ liệu thực.
Đây là bước đột phá lớn không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn với thế giới, bởi từ giai đoạn nghiên cứu, phát triển đến khi thành công trên mạng lưới thật, Viettel chỉ hoàn thiện trong vòng 8 tháng, kể từ thời điểm Viettel và Qualcomm công bố hợp tác chiến lược về 5G.
Kết quả này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thương mại hóa mạng 5G tại Việt Nam và thị trường quốc tế bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất vào năm 2024.
Khát vọng Việt hóa ChatGPT
Giao diện ứng dụng ViGPT của người Việt. |
ChatGPT mở đầu cho cơn sốt AI tạo sinh (Generative AI) ở Việt Nam. Từ đầu năm, dù OpenAI chưa triển khai chatbot này ở thị trường trong nước, nhiều người sẵn sàng chi hàng trăm nghìn đồng mua tài khoản, dùng IP ảo để trải nghiệm.
Trước làn sóng ứng dụng, phổ biến của chatbot, các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hàng chục tọa đàm để thảo luận cách phản ứng với cơn sốt AI.
Bên cạnh đó, các ứng dụng biến ảnh selfie thành avatar như Remini, hay ảnh theo phong cách anime của Loopsie liên tục vượt qua các nền tảng truyền thông xã hội để đứng đầu danh sách ứng dụng được tải nhiều nhất Việt Nam trên App Store.
Đầu tháng 12, VinAI giới thiệu mô hình PhởGPT với 7,5 tỷ tham số. Theo đại diện đơn vị, dự án hướng đến mục tiêu phát triển các mô hình tương tự như ChatGPT cho tiếng Việt và văn hóa người Việt. PhởGPT có khả năng hiểu và viết văn phong tiếng Việt. Mô hình cũng được huấn luyện từ đầu với tập dữ liệu tiếng Việt, không phụ thuộc các mô hình khác của thế giới.
Tiếp nối thành công, VinAI tiếp tục trình làng công nghệ phần mềm ViGPT phiên bản Việt dành cho người dùng cuối và doanh nghiệp, tập trung nội dung đặc thù của Việt Nam. Ứng dụng ViGPT tập trung vào một số nội dung như pháp luật, lịch sử, văn hóa, danh nhân, danh lam thắng cảnh, đặc trưng vùng miền... Người dùng có thể sử dụng phiên bản trải nghiệm giới hạn của ViGPT bằng tiếng Việt trên giao diện website, tương tự như với ChatGPT.
Cùng với phiên bản dành cho người dùng cuối, ViGPT sẽ ra mắt phiên bản dành cho doanh nghiệp, tích hợp trong nền tảng trí tuệ nhân tạo đa nhận thức VinBase 2.0. Đơn vị kỳ vọng ứng dụng góp phần thay đổi thói quen vận hành và tăng hiệu quả kinh doanh, marketing, dịch vụ khách hàng, quản trị rủi ro.
Năm qua, Việt Nam cũng ghi nhận sự hợp tác với nhiều nhà khoa học, doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực AI toàn cầu, như giáo sư Andrew Ng của Landing AI, CEO Jensen Huang của Nvidia. Trong chuyến thăm đầu tháng 12, ông Huang đánh giá Việt Nam hội tụ đủ các thành phần để phát triển trí tuệ nhân tạo, gồm dữ liệu, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là lực lượng nhân lực công nghệ thông tin dồi dào. "Đây là thời cơ của Việt Nam. Nếu có thể cưỡi trên con sóng AI, Việt Nam sẽ tăng trưởng, thịnh vượng, cơ hội rộng mở. Tôi tin chúng ta có khả năng làm được điều đó", ông nói.