Các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh; Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh chủ trì hội nghị. Dự họp có các đồng chí lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị.
Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố
Năm 2023, chỉ số cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang đạt 88,46%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố (tăng 3,12%, tăng 16 bậc so với năm 2022). Trong đó, các chỉ số thành phần xếp ở vị trí cao so với các tỉnh, thành phố: Cải cách chế độ công vụ xếp thứ 3/63; Cải cách thể chế 4/63; Cải cách tổ chức bộ máy xếp thứ 7/63...
Par Index của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND tỉnh, Sở Nội vụ đứng đầu với 95,88%; Sở Y tế đứng cuối với 80,58%. Đối với UBND cấp huyện, UBND huyện Lâm Bình đứng đầu với 87,79%; UBND huyện Chiêm Hóa đứng cuối với 80,53%.
Năm 2023, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Tuyên Quang (Sipas) đạt 82,83%, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,11%, giảm 4 bậc so với năm 2022). Cùng với đó, các chỉ số thành phần của chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 của Tuyên Quang đều tăng mạnh so với năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Cụ thể, chỉ số “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (cho doanh nghiệp)” đạt 5,38 điểm (tăng 1,98 điểm); chỉ số “Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu” đạt 5,93 điểm (tăng 1,36 điểm); chỉ số “Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành Xanh” đạt 3,72 điểm (tăng 0,37 điểm); chỉ số “Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường” đạt 5,06 điểm (tăng 3,27 điểm)...
Tuy nhiên, qua đánh giá các tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số: PCI, Par Index, Sipas, Papi vẫn còn những tồn tại, hạn chế, có những tiêu chí giảm điểm, không tăng thứ hạng; có những tiêu chí tăng điểm, tăng thứ hạng nhưng chưa bền vững...
Những nguyên nhân được xác định do một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành; chưa gắn với trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc tổ chức, triển khai cải cách hành chính chưa đồng bộ, chặt chẽ; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả chưa cao...
Lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị.
Về mục tiêu năm 2024, tỉnh phấn chỉ số PCI tăng từ 4 bậc trở lên trong bảng xếp hạng PCI của cả nước, điểm số đạt trên 66,80 điểm (tăng 1,35 điểm so với năm 2023). Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo tất cả 10 chỉ số thành phần PCI năm 2024 của tỉnh phải có sự cải thiện so với năm 2023. Tỉnh phấn đấu 4 chỉ số thành phần của Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) đều tăng điểm và cao hơn hoặc bằng điểm trung vị của cả nước năm 2023.
Nỗ lực, quyết liệt và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế và thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Các ý kiến tập trung vào việc nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các ngành, chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể vào từng lĩnh vực; việc đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển đổi số; linh hoạt thực hiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể; tham mưu thêm các chỉ số để đánh giá đúng thực trạng của tỉnh; sử dụng các dịch vụ trả kết quả thủ tục hành chính, cắt giảm được thời gian cho người dân…
Đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vân Đình Thảo trình bày dự thảo kế hoạch nâng cao PCI cấp tỉnh và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2024 và năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, tỉnh Tuyên Quang xác định công tác cải cách hành chính là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để tiếp tục nâng cao Chỉ số PCI, Par Index, Sipas, Papi trong năm 2024 và năm 2025, đồng chí yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND cấp huyện là thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh cần tiếp tục nỗ lực, quyết liệt và quyết tâm hơn nữa thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra.
Trọng tâm là cần sớm khắc phục những chỉ số thành phần bị giảm điểm và các chỉ số có điểm số thấp liên quan đến trách nhiệm của ngành tham mưu quản lý; phải nghiêm túc đánh giá chỉ ra các mặt hạn chế, khuyết điểm, xây dựng nhiệm vụ cụ thể để nâng cao điểm số các chỉ số thành phần PCI năm 2024 và năm 2025.
Các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát giải quyết dứt điểm, hiệu quả những vướng mắc mà các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã phản ánh và thường xuyên đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền.
Các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách về cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Đồng thời khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí; công khai, minh bạch quy trình giải quyết thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và thu hút đầu tư.