Đề tài, dự án sát thực tiễn
Tỉnh đã cụ thể hóa, ban hành 19 Quyết định, Chương trình; 07 Kế hoạch và nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2013 - 2023, đã có 172 đề tài/dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp bộ được tổ chức triển khai thực hiện. Các đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; đồng thời tổng kết, đánh giá thực tiễn nhằm cung cấp thông tin, luận cứ khoa học cho các cấp ủy, chính quyền hoạch định, xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, khai thác các tiềm năng thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trao đổi về nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang.Giai đoạn 2013 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 18 doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 31/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang); có 19 doanh nghiệp chủ trì thực hiện 19 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số với tổng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 55 tỷ đồng.
Các dự án triển khai đã tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất cùng phát triển trong mối liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát hơn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đã từng bước khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, có sự cân đối giữa khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật công nghệ với khoa học xã hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp. Cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo nguyên tắc cạnh tranh, dân chủ, bình đẳng và công khai, giúp lựa chọn được những tổ chức chủ trì có đủ kinh nghiệm, năng lực triển khai các đề tài, dự án, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực ngày càng được tăng cường và triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Đến nay, tỉnh có 100% cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương đã thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng theo quy định; 100% đơn vị hành chính cấp xã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001.
Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ, Trường Đại học Tân Trào nghiên cứu, sản xuất thành công đông trùng hạ thảo. Ảnh: Trần LiênCông tác thực thi và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được tỉnh đưa vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển của ngành, lĩnh vực cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Hiện nay, tỉnh có 292 sản phẩm/dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; trong đó có trên 70 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và có 04 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý: Cam sành Hàm Yên, Chè Shan tuyết Na Hang, Rượu ngô men lá Na Hang và Bưởi Soi Hà Yên Sơn.
Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong các cơ quan, đơn vị cũng được chú trọng đẩy mạnh với nhiều công trình, giải pháp có chất lượng. Đến nay, đã có trên 500 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, sở, ngành thuộc tỉnh và các địa phương trong tỉnh có sáng kiến là những giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật,... được UBND tỉnh Quyết định công nhận sáng kiến có hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng ở cấp tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động sáng tạo khoa học, kỹ thuật cũng được phát huy đẩy mạnh thành phong trào, có sự lan tỏa mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên của các trường đại học, dạy nghề, và các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm vừa qua, tỉnh đã đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; mời gọi, liên kết với 36 viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ. Đã ký kết hợp tác với với một số đơn vị như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam... trong việc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thiết yếu, trọng tâm để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức
Trong 10 năm qua, tỉnh Tuyên Quang quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Tính đến năm 2022, tỉnh có trên 17.000 cán bộ, công chức viên chức có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; có những đóng góp to lớn, thiết thực, hiệu quả vào hoạch định, triển khai quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển, các cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và tham gia tích cực vào hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Thông qua việc thực hiện đề tài, dự án đã thu hút được trên 1.500 lượt trí thức khoa học trong tỉnh và ngoài tỉnh tham gia thực hiện; mời gọi, liên kết với 36 viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm chuyển giao kỹ thuật, các doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ. Giai đoạn 2013 - 2023 đã có gần 3.000 lượt trí thức là các cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia 292 tiểu ban, hội đồng chuyên ngành tư vấn, đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện và đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh các đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trao đổi sản xuất lạc hàng hóa tại xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa.Một số cá nhân đã chủ trì thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh; là tác giả của các giải pháp, sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, giải pháp quản lý trong các lĩnh vực; mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc thù của tỉnh; tạo ra sản phẩm mới, cải tiến hệ thống máy móc thiết bị để nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm cho người dân,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang tổ chức xét tặng danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu”. Qua xét chọn, đã lựa chọn được 15 cá nhân là những “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu”, có những cống hiến, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết quả và những thành tựu của ngành khoa học và công nghệ và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh nhà chính là những đóng góp quan trọng, góp phần xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc, xứng đáng với vị thế là Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến...
Nguyễn Đại Thành (Giám đốc Sở KH&CN)