Kết quả thực hiện Đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ phát triển sản xuất giống lê nâu bản địa tại huyện Na Hang”

04/04/2025 - 17:01
26

         Hồng Thái là xã vùng cao của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm huyện Na Hang 47 km, nằm ở độ cao trung bình từ 800 - 1.200 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình năm 18,4 độ C, độ ẩm không khí 80-86%, lượng mưa trung bình 1.500 - 2.000 mm, đây là một trong những lợi thế để địa phương phát triển các loài cây ăn quả ôn đới có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là phát triển diện tích vùng trồng cây lê đặc sản sẵn có trên địa bàn xã.

          Cây lê nâu bản địa được người dân trên địa bàn xã Hồng Thái trồng từ rất lâu đời, được coi là sản phẩm đặc trưng truyền thống của địa phương, lê nâu Hồng Thái có đặc điểm chung là hương vị thơm ngon, vỏ mầu nâu vàng, ít cát, giòn, thời gian ra hoa vào tháng hai, nở rộ vào tháng ba đây là mùa hoa lê nở rộ tạo cảnh quan đẹp thu hút khách thập phương đến tham quan du lịch, đã mang lại nguồn thu nhập cho người dân. 

          Theo số liệu điều tra, thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang: Toàn xã Hồng Thái hiện nay có trên 106 ha cây lê, gồm ba giống chính (lê nâu bản địa, lê Lạng Sơn và lê VH6); diện tích cây lê cho thu hoạch quả là trên 29,5 ha (trong đó có 2,9 ha lê nâu bản tại thôn Khâu Tràng). Năm 2020, quả lê của xã Hồng Thái đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên, hiện nay diện tích cây lê còn nhỏ lẻ, manh mún, nhiều diện tích cây đã già cỗi, năng suất thấp, chưa ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong trồng và chăm sóc; sản phẩm còn ít, mẫu mã, chất lượng quả chưa được đảm bảo, đặc biệt là chưa có sự liên kết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hoá dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại từ cây lê còn chưa cao. 

          Để tiếp tục phát triển diện tích cây lê nâu bản địa trên địa bàn huyện Na Hang, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo cảnh quan phục vụ phát triển kinh tế du lịch, tạo sinh kế bền vững, ổn định cho người dân địa phương. Ngày 30/12/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 2105/QĐ-UBND về phê duyệt Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ phát triển sản xuất giống lê nâu bản địa tại huyện Na Hang”, trong đó: Giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Na Hang chủ trì thực hiện; KS. Chẩu Thị Tiềm, Viên chức Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Na Hang (nay là chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang) làm chủ nhiệm Đề tài; thời gian thực hiện 36 tháng (từ tháng 12-2021 đến tháng 12-2024).

          Sau 36 tháng triển khai thực hiện, Đề tài đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và chủng loại, đảm bảo yêu cầu khoa học theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh và Hợp đồng ký với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang, cụ thể:

         (1) Xây dựng 01 Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Đề tài đảm bảo khoa học, chính xác và phản ánh đầy đủ nội dung nghiên cứu;

         (2) Xây dựng mô hình ươm cây giống với diện tích 40 m2, sản xuất được 1.665 cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn (chiều dài cành ghép từ 15-20 cm, có 2-3 cành, tuổi cây ghép từ 3-6 tháng); 

         (3) Xây dựng mô hình trồng mới giống lê nâu bản địa tại xã Hồng Thái với quy mô diện tích 3,0 ha, tỷ lệ sống trung bình đạt 91,3%; 

         (4) Xây dựng mô hình thâm canh áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ: Với diện tích 3,0 ha tại 11 hộ dân thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, trong đó có 01 ha của 3 hộ dân được ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt.

         (5) Xây dựng 01 hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thâm canh cây Lê nâu đảm bảo khoa học, phù hợp với điều kiện canh tác tại huyện Na Hang.

        (6) Tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật cho 50 người dân (là thành viên Hợp tác xã Tân Hợp và các hộ trồng lê tại xã Hồng Thái) cơ bản nắm vững các kiến thức được tập huấn và vận dụng tốt vào thực tế sản xuất tại địa phương. 

Mô hình thâm canh áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ tại thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

         Những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh hoạt động quảng bá và giới thiệu về miền đất, con người cũng như tiềm năng văn hóa, du lịch, các di sản văn hóa của tỉnh đến nhân dân trong nước và quốc tế. Cùng với đó, hàng năm huyện Na Hang tổ chức Lễ hội hương sắc Na Hang, với “cốt lõi” là Lễ hội Hoa lê xã Hồng Thái đã thu hút rất nhiều du khách gần xa đến thăm quan và trải nghiệm qua đó góp phần xây dựng hình ảnh du lịch của xã Hồng Thái, huyện Na Hang nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung là điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn với khách du lịch. 

         Việc triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ phát triển sản xuất giống lê nâu bản địa tại huyện Na Hang” đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát triển giống cây ăn quả truyền thống, có lợi thế; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp và từng bước nâng tầm các sản phẩm đặc sản, phục vụ phát triển du lịch của địa phương./.

Đức Quyền, Sở Khoa học và Công nghệ Tuyên Quang

 

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Phạm Ninh Thái - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Giấy phép hoạt động số: 25/GP-TTĐT ngày 28/5/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Cơ quan chủ quản: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 433, Đường 17/8, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: (0207) 3822523 Fax: (0207) 3822709
Bản quyền nội dung thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang. Sử dụng thông tin của Website này phải ghi rõ nguồn: skhcn.tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang