,

Thông tin - Tài liệu

Đổi mới trong quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia

Ngày 12/10/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BKHCN (Thông tư 20) quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN). Thông tư 20 có hiệu lực từ ngày 27/11/2023, thay thế Thông tư 08/2017/TT-BKHCN ngày 26/6/2017 của Bộ KH&CN quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN. Theo đó, nhiều nội dung đã được điều chỉnh/thay thế theo hướng đồng bộ với các quy định về xét duyệt nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.

Cụ thể hóa chủ trương, chính sách phát triển KH&CN

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh KH&CN: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển KH&CN… Hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN. Chuyển đổi cơ chế đầu tư, quản lý tài chính KH&CN theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng. Các ngành, các cấp có trách nhiệm trong việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào lĩnh vực mình phụ trách”.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Chương trình hành động của Bộ KH&CN về việc thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó có một số giải pháp chủ yếu liên quan đến nhiệm vụ rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách, cụ thể như sau:

 Một là, cụ thể, hoàn thiện hành lang pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện nội dung đột phá chiến lược về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST); sửa đổi, hoàn thiện quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN, chính sách kinh tế để thúc đẩy KH,CN&ĐMST; đổi mới cơ chế, phương thức quản lý các chương trình, nhiệm vụ KH&CN. Xây dựng cơ chế quản lý khoa học theo hướng hiện đại để giảm các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý chương trình, nhiệm vụ KH&CN. Xây dựng cơ chế tài chính cho các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN theo hướng thông thoáng, đảm bảo nguyên tắc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, đồng thời hướng đến sản phẩm cuối cùng, lấy hiệu quả làm mục tiêu.

Hai là, rà soát sửa đổi các quy định về xét duyệt nhiệm vụ KH&CN theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh; từng bước công khai, minh bạch tất cả các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu để chính các nhà khoa học và cộng đồng giám sát. Vận dụng linh hoạt nguyên tắc khoa học mở theo khuyến nghị của UNESCO đối với hoạt động KH&CN.

Ba là, Bộ KH&CN đã rà soát, hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, cá nhân

Các nội dung của Thông tư số 20/2023/TT-BKHCN được sửa đổi/thay thế quy định cũ theo hướng giảm các thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng cơ sở dữ liệu trong quản lý chương trình, nhiệm vụ KH&CN. Xây dựng cơ chế tài chính cho các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN theo hướng thông thoáng, đảm bảo nguyên tắc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên cho tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ; tăng cường hậu kiểm và phân cấp trong quản lý.

Nhiều quy định trong Thông tư 20 đã giúp đơn giản hóa về thủ tục hành chính. Cụ thể, có 2 nhóm tài liệu được chuyển sang hậu kiểm, chỉ phải bổ sung, hoàn thiện sau khi Hội đồng tư vấn tuyển chọn kiến nghị trúng tuyển để phục vụ cho tổ thẩm định họp thẩm định kinh phí nhiệm vụ là: 1) Lý lịch khoa học của thành viên chính và thư ký khoa học; 2) Báo giá thiết bị máy móc, vật tư nguyên vật liệu (Điều 5). Đồng thời, bỏ quy định có Báo cáo tài chính đối với loại hình nhiệm vụ là đề tài, đề án được tài trợ 100% từ NSNN.

Cùng với đó, khoản 3 Điều 2 của Thông tư 20 điều chỉnh thời hạn nộp hồ sơ từ 60 ngày xuống còn 30 ngày để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung xét duyệt. Điều này cũng phù hợp với xu hướng giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ quy định tại Điều 45 Luật Đấu thầu 2023: thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 18 ngày đối với đấu thầu trong nước và 35 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời thầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, việc quản lý chương trình, nhiệm vụ KH&CN được thực hiện trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN quốc gia. Đây là Hệ thống thông tin do Bộ KH&CN xây dựng và vận hành để quản lý việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN. Văn bản, hồ sơ và tài liệu được trao đổi bằng phương thức trực tuyến thông qua Hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN quốc gia. Trong trường hợp Hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN quốc gia chưa sẵn sàng, hoặc gặp sự cố chưa được khắc phục kịp thời thì văn bản, hồ sơ và tài liệu được trao đổi trực tiếp. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn trực tuyến (khoản 1 Điều 2 Thông tư 20).

Về phương thức họp hội đồng tư vấn tuyển chọn, nhằm minh bạch, giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức cá nhân khi triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, Thông tư 20 đã bổ sung quy định các phương thức họp hội đồng trực tuyến; phương thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến để đảm bảo tính linh hoạt cho hoạt động xét duyệt các nhiệm vụ KH&CN (khoản 1 Điều 10 Thông tư 20).

Công khai, minh bạch, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu

Các nội dung sửa đổi của Thông tư số 20 cũng hướng đến việc tăng cường công khai, minh bạch. Theo đó, tổ chức sẽ không đủ điều kiện đăng ký tham gia tuyển chọn chủ trì nhiệm vụ khi “chưa hoàn thành việc đăng ký, giao nộp, lưu giữ các kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia khác theo quy định hiện hành” và “chưa thực hiện báo cáo ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia khác theo quy định hiện hành” (Điều 4). Bên cạnh đó, Thông tư 20 bổ sung quy định không cho phép thành viên của đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ tham gia Hội đồng tư vấn; bắt buộc kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức chủ trì và đơn vị phối hợp trong dự án sản xuất thử nghiệm (Điều 8). Thông tư 20 bổ sung yêu cầu về hồ sơ năng lực của đơn vị phối hợp trong dự án sản xuất thử nghiệm (khoản 6, 7 Điều 8 Thông tư 20); bỏ quy định đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ tham gia phiên họp Hội đồng tư vấn. Bổ sung việc gửi “câu hỏi” để giải trình trước phiên họp Hội đồng tư vấn (khoản 3 Điều 14 Thông tư 20).

Tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ sẽ được ưu tiên trong trường hợp hồ sơ của tổ chức chủ trì là tổ chức đề xuất nhiệm vụ có điểm trung bình đạt từ 70/100 điểm, tổng điểm của hồ sơ được cộng thêm 10% (mười phần trăm) điểm trung bình của hồ sơ đó (khoản 7 Điều 11 Thông tư 20).

Về phê duyệt kết quả tuyển chọn, Bộ KH&CN thực hiện phân cấp cho đơn vị quản lý kinh phí phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ KH&CN có thể lấy ý kiến của chuyên gia tư vấn độc lập quy định theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 15 của Thông tư 20.

Hướng đến việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, Thông tư 20 đã bỏ quy định phạt 2 năm không được tham gia tuyển chọn nếu có nhiệm vụ trước đó nghiệm thu “không đạt”. Bên cạnh đó, nhiều nội dung khác đã được sửa đổi, bổ sung như: với nhiệm vụ KH&CN cấp bách, phát sinh, Bộ KH&CN “chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh thông qua ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức” và quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định chủ động rút ngắn thời gian và các bước theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ (khoản 3 Điều 26 Thông tư 20).

Với nhiệm vụ KH&CN chứa bí mật nhà nước, Thông tư 20 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng các nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước thực hiện theo quy trình tương tự nhiệm vụ thông thường (giao thực hiện theo phương thức trực tiếp), nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành và thiết kế 1 chương dẫn chiếu đến các quy định liên quan về tuyển chọn, giao trực tiếp đối với loại hình nhiệm vụ này (Điều 22 Thông tư 20).

*

*       *

Có thể nói, Thông tư 20 đã ra đời kịp thời và có ý nghĩa lớn khi các quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN, Thông tư 08/2017/TT-BKHCN ngày 26/6/2017 của Bộ KH&CN quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng NSNN đã bộc lộ những bất cập, cần sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; chuyển giao công nghệ; sở hữu trí tuệ đã được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung... cũng cần có chính sách bổ sung, điều chỉnh kịp thời.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục