,

Tiêu chuẩn ĐLCL

Nâng cao chất lượng xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng SPHH

Qua 15 năm triển khai pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống pháp luật đã xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc trong thực tiễn cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu thay đổi, hội nhập quốc tế trong thời kỳ hội nhập, tự do hóa thương mại và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tại phiên thảo luận Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá vừa diễn ra, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ý kiến, danh mục hàng hóa nhóm 2 đang có rất nhiều bất cập. Thứ nhất là các Bộ chưa cùng bàn và thống nhất về danh mục hàng hóa nhóm 2 dẫn đến chồng chéo;

Thứ hai, hiện nay đã có Nghị định về quản lý hoạt động thương mại điện tử và dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Quốc hội thông qua cũng đã có quản lý hoạt động thương mại điện tử và bảo vệ người dùng. Trong khi đó đề xuất của Bộ KH&CN cũng đưa quản lý hoạt động chất lượng hàng hóa giao dịch thương mại điện tử vào Luật, việc này có thể gây ra sự chồng chéo giữa các quy định;

Thứ ba, liên quan đến Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, hiện nay chưa được quan tâm nhiều và lý do chưa được doanh nghiệp quan tâm một phần vì người tiêu dùng chưa hoàn toàn quan tâm đến giải thưởng. Hiện có nhiều giải thưởng do các Hiệp hội tổ chức và nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp. Đại diện VCCI đề xuất nên để GTCLQG cho các doanh nghiệp, Hiệp hội thực hiện và chịu trách nhiệm về vấn đề xảy ra.

Giải đáp vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy cho rằng, ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 trao thẩm quyền cho Chính phủ. Trở lại thời điểm trước khi thực hiện theo pháp lệnh Chất lượng sản phẩm hàng hóa, chúng ta đã từng đưa nội hàm này lên Chính phủ và Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra trong sản xuất, nhập khẩu, tuy nhiên quá trình triển khai rất vướng.

Thứ nhất là khi chúng ta xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật cấp Thủ tướng cần phải thực hiện theo quy định và danh mục hàng hóa đó không được cập nhật kịp thời, các biện pháp quản lý trong danh mục, các tiêu chuẩn ngày trước là tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và tiêu chuẩn bắt buộc chứng nhận rất khác so với thời điểm hiện tại. Nếu phải quay lại với việc trình lên cấp Thủ tướng ban hành thì danh mục đó sẽ không được kịp thời cập nhật, dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
 

Đại diện các cơ quan, Hiệp hội, doanh nghiệp chia sẻ ý kiến về việc hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá.
 

Thứ hai, về chất lượng sản phẩm hàng hóa bán qua sàn giao dịch thương mại điện tử, theo bà Hương ở đây không liên quan đến vấn đề cấp phép cho sàn giao dịch thương mại điện tử và theo Nghị định thương mại điện tử. Hướng dẫn chỉ đề cập đến nội dung ghi nhãn chứ không có nội hàm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, bởi vì bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử có cả sản phẩm hàng hóa nhóm 2 do các Bộ, ngành quản lý nên việc quản lý của các bộ như thế nào không thể nắm rõ và người tiêu dùng mua hàng có vấn đề về chất lượng cũng không biết phải khiếu nại như thế nào. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn đưa quản lý chất lượng hàng hóa giao dịch thương mại điện tử vào Luật để đưa ra chính sách cụ thể trong quản lý đối với hàng hóa nhóm 2 bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Về Giải thưởng CLQG, theo bà Hương, Giải thưởng được quy định tại Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa, trong đó quy định hai phần giải thưởng là Giải thưởng CLQG và Giải thưởng Chất lượng của tổ chức, cá nhân. Đây là hai phần hoàn toàn khác nhau. Hiện nay GTCLQG đi theo 7 tiêu chí quốc tế để đánh giá giải thưởng, các doanh nghiệp phải hội nhập và đạt giải thưởng quốc gia thì mới có thể tham gia Giải thưởng Châu Á - Thái Bình Dương. Tất cả đều được xây dựng và thực hiện bài bản từ khi Luật CLSPHH có hiệu lực.

Cũng tại phiên thảo luận, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản chế xuất (VASEP) nêu ý kiến về vấn đề đưa Luật theo hướng có cả yếu tố an toàn và chất lượng. Theo vị này, ngành thực phẩm đã có Luật An toàn thực phẩm và nếu quy định thêm gộp an toàn vào Luật thì Luật CLSPHH sẽ bao phủ toàn Luật An toàn thực phẩm. Vấn đề này rất lớn, sẽ làm thay đổi toàn bộ cơ cấu, cơ chế và văn bản pháp quy dưới Luật về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, trên thế giới WTO cũng tách rời SPS (kiểm soát an toàn) và TBT (kiểm soát chất lượng), cho nên đối với vấn đề thực phẩm gộp chất lượng với an toàn thực phẩm là chưa phù hợp.

Vấn đề thứ hai, đối với quy định chung, không riêng sản phẩm xuất khẩu mà linh kiện hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa xuất khẩu và linh kiện, nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa nội bộ chỉ nên khuyến khích áp dụng vấn đề, ví dụ như vấn đề về truy xuất nguồn gốc hay ghi nhãn.

Vấn đề thứ ba, về mã số mã vạch, trong Luật CLSPHH vấn đề này đang bao phủ quá nhiều, hiện nay ngoài mã số mã vạch đã có rất nhiều mã số khác như QRcode. Sau này nhiều mã số khác sẽ sản sinh liệu có thể đưa hết vào Luật và tại sao chỉ đưa mình mã số mã vạch vào Luật, liệu mã số mã vạch chỉ để nhà nước quản lý có hợp lý? Trong khi đó, trên thế giới việc đưa mã số vào theo hình thức tự nguyện, không nhất thiết phải nhà nước quản lý. Vậy có nên để mã số mã vạch trong các Thông tư, văn bản quy định khác phù hợp hơn?

Giải đáp thắc mắc, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho rằng, vấn đề về gây mất an toàn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ KH&CN, chính vì vậy, chúng ta nên đưa thuật ngữ chất lượng vào Luật CLSPHH để làm rõ thuật ngữ này. Về linh kiện, nguyên liệu hàng hóa xuất khẩu trong nội bộ doanh nghiệp chỉ mang tính chất khuyến khích, tuy nhiên thực tiễn cho thấy doanh nghiệp khai báo chỉ sử dụng nội bộ nhưng khi ra thị trường không ai quản lý thì trở thành hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

Về mã số mã vạch, trách nhiệm quản lý hiện nay là Thủ tướng và Chính phủ giao cho Bộ KH&CN. Điều này đã được quy định rất rõ thông qua Nghị định của Chính phủ và các văn bản của Thủ tướng. Trong đó, Chính phủ giao Tổng cục TCĐLCL là đại diện cho Việt Nam tham gia Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế và chúng ta đã duy trì hoạt động này một cách hết sức bài bản.

"Cách thức mà đại diện VASEP đã nêu sẽ được Tổng cục tiếp thu làm sao đúng với phạm vi mà Chính phủ giao cho Bộ KH&CN và Tổng cục. Còn việc doanh nghiệp sản sinh ra các loại mã như QRcode là việc riêng của doanh nghiệp và không ai quản lý, tuy nhiên, cách sửa Luật hướng tới làm sao có thể truy hồi, xử lý những vấn đề nếu chất lượng xảy ra. Mã số mã vạch được coi là công cụ mà hiện nay thực tiễn dễ nhìn thấy nhất chính là việc định vị và truy hồi sản phẩm khi có vấn đề xảy ra về chất lượng", ông Hiệp phân tích thêm.

Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết là doanh nghiệp chế xuất và 100% sản phẩm xuất khẩu ra thế giới, liên quan đến mã số mã vạch vô hình chung cũng gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp chế xuất, phải đăng mã nước ngoài rất phức tạp, và cản trở nhiều đến hoạt động. Phía Công ty kiến nghị và đề xuất khi xây dựng, sửa đổi Luật CLSPHH, Bộ nên nghiên cứu kỹ những thuật ngữ hay từ ngữ mang tính khuyến khích áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, hiện nay Luật CLSPHH đã được ban hành từ lâu nhưng chưa phát huy được vai trò và sự hiện hữu trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật là rất hợp lý.

Theo vị này, mỗi bộ Luật ban hành ra thì đối tượng chịu tác động chính là doanh nghiệp, người tiêu dùng và các nhà sản xuất. Vậy chúng ta cần biện pháp gì đến quản lý nhóm đối tượng lớn như vậy? Với vai trò của Bộ KH&CN trong dự thảo xây dựng phạm vi chất lượng sản phẩm hàng hóa để quản lý rất lớn, tuy nhiên nếu không chia ra rành mạch từng lớp sẽ dẫn đến việc mất kiểm soát và khó thực thi.

Chính vì vậy, đề xuất Bộ KH&CN cần tập trung thể hiện tính khoa học và rõ nét hơn. Đối với mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc, theo đại diện Hiệp hội DNNVVVN không nên bám vào hệ thống mã số mã vạch có một hệ thống tiêu chuẩn mà cần mở ra luôn luôn áp dụng công nghệ mới nhất để đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, Bộ KH&CN cần xác định vai trò, trách nhiệm về vấn đề chất lượng sản phẩm.

Trả lời về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Hà Minh Hiệp cho biết, trong sửa đổi Luật CLSPHH đã điều chỉnh rất nhiều, việc thực thi cũng được triển khai. Bộ KH&CN và Tổng cục sẽ tiếp thu những ý kiến và điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình sửa đổi Luật.

Về phía Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT, đại diện đơn vị đánh giá cao ban soạn thảo đã có những đánh giá và đưa ra đề xuất sửa đổi một số nội dung của Luật CLSPHH đã triển khai trong suốt 16 năm.

Theo vị này, một số vấn đề cần lưu ý khi sửa đổi, trong đó về khái niệm chất lượng, cần sử dụng nội hàm rõ hơn về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thứ hai, cần làm rõ vấn đề liên quan đến yếu tố chất lượng. Theo đó, nhà nước đang cắt giảm về mặt nguồn lực, hướng đến xã hội hóa và nâng cao tính tự chủ của nhà sản xuất kinh doanh, do đó, một nhiệm vụ cần được nhấn mạnh là vấn đề xã hội hóa, tính tự chủ của nhà sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, vai trò của cơ quan nhà nước đối với xã hội hóa như thế nào, khi sửa đổi Luật CLSPHH cần được nêu rõ hơn về vai trò hậu kiểm, tiền kiểm… đối với các tổ chức xã hội hóa. Thứ ba, trong Luật CLSPHH không phân công, phân nhiệm cụ thể nhưng trách nhiệm từng ngành vẫn cần phải có. Một cơ quan làm nhiều nhiệm vụ chứ không thể nhiều cơ quan làm một nhiệm vụ. Thứ tư, việc sửa đổi Luật sẽ ảnh hưởng đến những Luật khác nữa, chính vì vậy, cần xem xét kĩ lưỡng trong việc sửa đổi sao cho phù hợp với thực tiễn./.

 

Nguồn: most.gov.vn

Tin cùng chuyên mục