,

Khoa học

Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện 07 nhóm nhiệm vụ năm 2024

Tại buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 24/01/2024, ông Đỗ Thành Long - Chánh Văn phòng Bộ cho biết, năm 2024, Bộ KH&CN triển khai 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang chủ trì buổi gặp mặt.

 

Ông Đỗ Thành Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; ngày 19/01/2024, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký Quyết định số 59/QĐ-BKHCN ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP với 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 65 nhiệm vụ triển khai trong năm 2024.

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các văn bản của Trung ương, Quốc hội liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST)

Xây dựng Kế hoạch triển khai Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trình Chính phủ trong tháng 01/2024; xây dựng Kế hoạch của Bộ triển khai Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; triển khai thực hiện Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16/11/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới; triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phiên họp, chất vấn và giám sát chất vấn tại các Kỳ họp Quốc hội, trong đó có Nghị quyết số 100/2023/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Tăng cường xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KH,CN&ĐMST

Xây dựng luật/lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST (04 luật), cụ thể: (1) Xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trình Chính phủ trong tháng 01/2024, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV (tháng 05/2024); (2) Hoàn thiện 02 hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) theo chỉ đạo của Chính phủ để đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội Khóa XV; (3) Xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 07/2024.

Xây dựng, trình Chính phủ các 04 Nghị định: (1) Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN, trình Chính phủ tháng 06/2025; (2) Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN, trình Chính phủ tháng 11/2024; (3) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, trình Chính phủ tháng 12/2024; (4) Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ.

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Quyết định: (1) Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 09/2024; (2) Đề án thành lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2024; (3) Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực khu vực nông thôn, miền núi, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2024.

Triển khai Chiến lược KH,CN&ĐMST quốc gia đến năm 2030

Tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ 44 Chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030 (22 Chương trình, nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 22 Chương trình, nhiệm vụ do Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt), cân đối cho cả 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN trong giai đoạn mới, Bộ KH&CN đã rà soát, ban hành các thông tư nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quy trình, thủ tục quản lý nhiệm vụ, gỡ rối cho chính các nhà khoa học và quản lý khoa học trong bối cảnh vẫn cần tuân thủ hệ thống pháp luật chung ngoài lĩnh vực KH&CN về đầu tư, tài chính, tài sản công và cán bộ, công chức, viên chức.

Ứng dụng, chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường KH&CN

Xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 05/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Nghiên cứu, đề xuất thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh. Tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư.

Đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ và năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân

Xây dựng, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Đại diện Bộ KH&CN cho biết đến nay, đã công bố gần 14.000 TCVN và hơn 800 QCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%. Số lượng TCVN được Bộ công bố và QCVN được Bộ thẩm định tăng hàng năm (năm 2023, Bộ công bố 663 TCVN, tăng 34% so với năm 2022; thẩm định 41 dự thảo QCVN, tăng 28% so với năm 2022).

Tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Số lượng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ngày càng gia tăng (năm 2023, với số lượng đơn tiếp nhận là 156.413, tăng 11% so với năm 2022). Mặc dù Cục Sở hữu trí tuệ đã rất cố gắng, nỗ lực xử lý đơn, tuy nhiên số lượng đơn tồn đọng vẫn còn nhiều. Giải pháp căn cơ mang tính chất đột phá trong thời gian tới để nâng cao năng lực xử lý đơn là: khẩn trương nâng cấp, cải tiến và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thẩm định và xử lý đơn; có chính sách đột phá, đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại Cục Sở hữu trí tuệ; áp dụng cơ chế đặc thù đối với công tác thẩm định đơn như các cơ quan sở hữu trí tuệ trên thế giới.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời với vai trò được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của WIPO. Năm 2024, Việt Nam phấn đấu sẽ tiếp tục đứng trong nhóm 04 quốc gia dẫn đầu của ASEAN về GII; Việt Nam sẽ tập trung nâng hạng một số chỉ số như: nhóm chỉ số hạ tầng công nghệ thông tin lên ít nhất 03 bậc, chỉ số chất lượng môi trường kinh doanh lên ít nhất 10 bậc, chỉ số xuât khẩu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông lên ít nhất 05 bậc so với năm 2023.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định thủ tục hành chính và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; triển khai và công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương hằng năm nhằm đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của các địa phương trên cả nước.

Đẩy mạnh thông tin, truyền thông và hợp tác quốc tế

Đổi mới công tác truyền thông về KH,CN&ĐMST. Tích cực, chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN&ĐMST; tăng cường thu hút nguồn lực KH&CN từ nước ngoài thông qua các chương trình, dự án hợp tác KHCN&ĐMST.

Tại buổi gặp mặt với báo chí đầu năm 2024, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng đã giải đáp một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Bộ KH&CN như: những nhóm vấn đề sửa đổi Luật KH&CN; vấn đề phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chip bán dẫn; vấn đề thực hiện các chương trình KH&CN cấp quốc gia; công bố chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương…

 

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Tin cùng chuyên mục