,

Công nghệ

Hội thảo khoa học về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển du lịch bền vững tỉnh Bắc Giang

Mở đầu chuỗi sự kiện Techfest Bắc Giang 2023 và trình diễn kết nối cung cầu công nghệ, chiều ngày 10/11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Ngạn đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên nhằm phát triển du lịch bền vững tỉnh Bắc Giang” tại điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn
Hội thảo là dịp trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao nhận thức về đóng góp quan trọng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với ngành du lịch tỉnh Bắc Giang.

Quang cảnh hội thảo

Dự hội thảo, có đồng chí Mai Sơn- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; đồng chí Thân Ngọc Hoàng- Phó vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN); đồng chí Hà Văn Siêu- Phó Cục trưởng, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch); đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang; đại diện lãnh đạo một số Sở KH&CN trung du và miền núi phía Bắc; lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn và đại biểu đến từ các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh.

Đ/c Mai Sơn- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Mai Sơn- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức sự kiện Techfest Bắc Giang 2023 đánh giá: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với khai thác giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên nhằm phát triển du lịch bền vững tỉnh Bắc Giang có ý nghĩa to lớn trong đời sống xã hội, văn hóa, con người và thiên nhiên không chỉ ở phạm vi của địa phương, quốc gia, mà còn trong khu vực và toàn cầu. Qua đó, góp phần vào bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường; tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa, tạo thu nhập cho người dân, ổn định xã hội, phát triển kinh tế ở mỗi địa phương.

Đồng chí nhấn mạnh, Bắc Giang được biết đến là vùng đất có bề dầy lịch sử văn hóa lâu đời với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo được ghi danh, công nhận cấp quốc gia, quốc tế. Mặt khác, Bắc Giang có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và hấp dẫn có thể khai thác, xây dựng các sản phẩm, loại hình du lịch. Nghị quyết 112/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang về việc phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 xác định, quan tâm đầu tư phát phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Trên quan điểm đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa trở thành khu du lịch quốc gia, là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Phấn đấu đến đến năm 2025 đón được ít nhất 3 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 6 nghìn lao động. Riêng năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng và phát triển bền vững; phấn đấu đón được 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 7,5 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng 10 nghìn việc làm.

Các đồng chí chủ trì hội thảo

Mặc dù vậy, tốc độ phát triển du lịch Bắc Giang còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, tại hội thảo lần này, đồng chí Mai Sơn mong muốn nhận được các ý kiến góp ý, chia sẻ và gợi mở với Bắc Giang những kinh nghiệm, giải pháp về công tác quy hoạch và phát triển sản phẩm du lịch; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, xây dựng và cấp phép xây dựng trong phát triển du lịch cộng đồng; những giải pháp KH&CN nhằm khai thác tiềm năng du lịch trong xu thế công nghệ 4.0 hiện nay; kinh nghiệm hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp gắn với khai thác du lịch tâm linh/du lịch sinh thái; vấn đề phát triển các sản phẩm nông nghiệp địa phương gắn với du lịch.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia tham luận tại hội thảo

Đ/c Đỗ Tuấn Khoa- Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang trình bày tham luận

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận của đại biểu đã tập trung đánh giá tổng quan về xu hướng phát triển du lịch của thế giới, định hướng phát triển du lịch của Việt Nam và những gợi mở đối với tỉnh Bắc Giang. Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp KH&CN trong khai thác, phát triển du lịch; phát triển du lịch gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp…Qua đây, giúp các cơ quan quản lý nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh những chính sách, chiến lược hiệu quả nhằm đạt mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn Bắc Giang từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tổng kết hội thảo, đồng chí Hà Văn Siêu- Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trân trọng cảm ơn đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức, các đơn vị kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ nhiều ý tưởng, thông tin, giải pháp quý báu, tâm huyết, cho thấy những đóng góp quan trọng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển bền vững ngành du lịch.

Thông qua hội thảo khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân có đam mê mạnh dạn khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch; góp phần quảng bá, giới thiệu cảnh quan, văn hóa truyền thống đặc sắc của tỉnh Bắc Giang ra cả nước và thế giới, thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam ngày một đông hơn trong tương lai…

Đ/c Hà Văn Siêu- Phó Cục trưởng, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu

Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sinh thái; xây dựng hệ thống giao thông gắn kết với các danh thắng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc tạo thành hệ thống tuyến điểm du lịch. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, thương mại, du lịch theo hướng chú trọng phát triển các mô hình làng nghề, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển các mô hình liên kết du lịch nội, ngoại tỉnh. Đồng thời, tập trung xây dựng và phát triển 04 sản phẩm du lịch chủ lực gồm: Du lịch văn hóa - tâm linh; sinh thái - nghỉ dưỡng; vui chơi, giải trí gắn với thể thao golf và du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tại huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động và Yên Thế.

Sau Hội thảo này, đồng chí mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tổ chức quốc tế sẽ hợp tác đầu tư trên lĩnh vực khoa học công nghệ để phát triển du lịch. Tỉnh sẽ triển khai nhiều hoạt động, hỗ trợ, đồng hành với các tổ chức, doanh nghiệp, góp phần đưa các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp sớm trở thành hiện thực. Bắc Giang cam kết sẽ tích cực triển khai các hoạt động phối hợp với các chuyên gia, tổ chức đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại công nghệ 4.0. Ứng dụng các nền tảng công nghệ kết hợp với việc thực hiện các đề án, dự án, kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng xanh, bền vững, hiệu quả.

Đại diện UBND huyện Lục Ngạn và Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam trao biên bản hợp tác phát triển du lịch

 

Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam đã trao biên bản hợp tác trong hoạt động phát triển du lịch huyện Lục Ngạn.

Nguồn: skhcn.bacgiang.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục