,

Khoa học

Nâng cao chất lượng đề xuất, đặt hàng, lựa chọn thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ

        Để nâng cao chất lượng và hiệu quả việc đề xuất, đặt hàng và nhân rộng các kết quả thực hiện các đề tài, dự án, trong thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, triển khai đồng bộ một số giải pháp
       
          Trong những năm qua, với vai trò là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN); cơ quan thường trực của Hội đồng KH&CN tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang đã luôn chủ động hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đề xuất các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia để xem xét đưa vào kế hoạch thực hiện hằng năm. Trên cơ sở đề xuất của các tổ chức, cá nhân, Sở KH&CN tổng hợp danh mục đề tài, dự án KH&CN, đồng thời xem xét cho ý kiến về tính cấp thiết, sự phù hợp của các đề xuất đối với định hướng phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu thực tiễn của địa phương (Nếu cần sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia); tham mưu tổ chức họp Hội đồng KH&CN tỉnh để thảo luận, xác định nhiệm vụ KH&CN cần thực hiện, trong đó ưu tiên lựa chọn đề tài, dự án giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương, của ngành, đơn vị; có tính mới, thiết thực, có khả năng nhân rộng... Căn cứ kết quả xác định danh mục của Hội đồng KH &CN tỉnh, Sở KH&CN tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh để tổ chức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện theo quy định.

          Từ năm 2015-2020, Sở Khoa học và Công nghệ đã trình và được UBND tỉnh phê duyệt đưa vào danh mục 94 đề tài, dự án cấp tỉnh (Lĩnh vực KHXH&NV 35; NLN 36; Y dược 07; Kỹ thuật công nghệ 15; KH tự nhiên 1); trình và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện 14 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025. Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng, triển khai đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Một số đề tài, dự án đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn đem lại hiệu quả rõ nét.

          Tuy nhiên, việc đề xuất, đặt hàng, xác định danh mục đề tài, dự án và nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều đề xuất chưa thực sự sát với nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh dẫn tới số lượng đề xuất hằng năm nhiều, nhưng lựa chọn được ít; một số đề tài, dự án được lựa chọn đưa vào danh mục thực hiện quy mô còn nhỏ, chưa giải quyết thoả đáng tính cấp thiết trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, tính ứng dụng chưa cao, chưa tạo được đột phá lớn; một số thành viên Hội đồng chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu để tham gia ý kiến xác đáng trong các cuộc họp; việc đặt hàng thực hiện các đề tài, dự án còn ít, chưa được chủ động; công tác triển khai, nhân rộng kết quả nghiên cứu còn hạn chế,…

       Để nâng cao chất lượng và hiệu quả việc đề xuất, đặt hàng và nhân rộng các kết quả thực hiện các đề tài, dự án, trong thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

          1. Việc đề xuất và xác định đề tài, dự án KH&CN đưa vào danh mục thực hiện hằng năm phải thiết thực, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, tập trung vào thực hiện 3 khâu đột phá:(i) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; (ii) phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; (iii) phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại. Ưu tiên lựa chọn các đề tài, dự án KH&CN liên quan đến sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm cụ thể, có sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu; có tính khả thi; kết quả đề tài, dự án phải có khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống của nhân dân, phục vụ thiết thực cho  phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; giải quyết những vấn đề cấp thiết cho địa phương;  hạn chế lựa chọn đưa vào danh mục đề tài nghiên cứu lý thuyết, phạm vi, quy mô nhỏ, tính ứng dụng không cao, không đảm bảo tính khả thi.

          Chủ động tham mưu đề xuất đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương, tạo ra các sản phẩm khoa học cụ thể, có giá trị. Lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, trình độ, tiềm lực để giao trực tiếp chủ trì thực hiện (Ưu tiên tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp trong tỉnh) để thuận lợi trong việc ứng dụng, nhân rộng kết quả ra sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.

          2. Phát huy tối đa vai trò của Hội đồng KH&CN tỉnh và huyện trong tư vấn, xác định danh mục đề tài, dự án. Kết quả xác định danh mục của Hội đồng KH&CN là cơ sở để cơ quan thường trực trình UBND phê duyệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN hằng năm. Đối với với những vấn đề mới và nhiệm vụ (Đề tài, dự án) liên quan đến nhiều lĩnh vực cần nghiên cứu sẽ mời thêm chuyên gia, nhà khoa học có uy tín tham gia Hội đồng tư vấn về các lĩnh vực mà địa phương đang thiếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quá trình xét duyệt.

          3.  Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống; đơn giản hóa thủ tục, trình tự thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Phát huy có hiệu quả mô hình liên kết “5 nhà” (Nhà nông-nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà bank).
Phối hợp với tổ chức, cá nhân, nhất là các  doanh nghiệp  trong và ngoài tỉnh để tiếp nhận, sử dụng kết quả nghiên cứu  KH&CN. Sau khi các đề tài, dự án được đánh giá, nghiệm thu, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án phải có trách nhiệm đăng ký, lưu giữ và giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; duy trì, phát triển, nhân rộng các kết quả đạt được, hoặc chuyển giao kết quả nghiên cứu, ứng dụng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu (theo quy định); cam kết tiêu chuẩn đầu ra với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tạo và duy trì được niềm tin lâu dài giữa nhà nghiên cứu với đơn vị nhận chuyển giao và người sản xuất, đơn vị tiêu thụ sản phẩm.

          4. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức từ kết quả nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án đến người dân và doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người hiểu và có những nhận định, đánh giá chính xác hơn về tầm quan trọng của KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của KH&CN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các cơ quan khối đoàn thể và các huyện, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để truyền tải thông tin KH&CN. Biên tập ngắn gọn, súc tích nội dung cần tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở KH&CN với các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh, nhất là với ngành nông nghiệp trong chuyển giao, tiếp nhận các kết quả nghiên cứu; quy định cụ thể về bàn giao và phản hồi thông tin tiếp nhận, nhân rộng kết quả nghiên cứu, cũng như những phản hồi thuận lợi, khó khăn, bất cập để khắc phục.

          5. Quan tâm đào tạo, tuấn huấn nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu đề xuất, tư vấn, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN trong các sở, ban, ngành, cơ quan quản lý, tổ chức khoa học và công nghệ, Hội đồng KH&CN và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để có thể tham mưu, đề xuất, đặt hàng, xác định nhiệm vụ KH&CN thiết thực và chủ trì tổ chức thực hiện có hiệu quả, chất lượng các đề tài, dự án; đồng thời có đủ năng lực để tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

 
ThS. Nguyễn Đại Thành
                                                                Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
 

Tin cùng chuyên mục