,

Khoa học

Kết quả ứng dụng kỹ thuật trồng rừng sản xuất bằng cây Keo lai nuôi cấy mô

        Dự án “Ứng dụng kỹ thuật trồng rừng sản xuất bằng loài cây Keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô” được Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt và giao cho Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện với thời gian thực hiện 38 tháng
        Tuyên Quang là một tỉnh miền núi với diện tích tự nhiên là 5.868,0 km2, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 448.589 ha. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến 31/12/2020 diện tích đất có rừng toàn tỉnh 425.365 ha, trong đó rừng trồng 192.181 ha, rừng tự nhiên 233.183 ha, còn lại là đất chưa có rừng. Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh đã trồng được 55.570 ha rừng; giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ trồng 50.200 ha rừng. Trung bình mỗi năm cho khai thác trên 845.000 m3 gỗ. Đối với diện tích trồng Keo hiện nay trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là các giống Keo được sản xuất bằng hạt và sản xuất bằng phương pháp giâm hom, diện tích trồng giống Keo bằng phương pháp nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh khoảng 2.500 ha gồm các giống BV10, BV16, BV32. Để nâng cao chất lượng rừng trồng, đáp ứng nhu cầu gỗ tăng nhanh, phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp thì việc sử dụng cây giống Keo lai từ phương pháp nuôi cấy mô để đưa vào trồng rừng sản xuất là hết sức cần thiết. Xuất phát từ thực tế đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt và giao cho Viện Nghiên cứu Lâm sinh thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện Dự án “Ứng dụng kỹ thuật trồng rừng sản xuất bằng loài cây Keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô” với thời gian thực hiện 38 tháng (từ tháng 01/2018 đến tháng 02/2021), do Thạc sỹ Phạm Đình Sâm làm chủ nhiệm. Dự án đã đạt được một số kết quả như sau:

        1. Kết quả xây dựng 10 ha mô hình trồng cây Keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô
        Dự án đã lựa chọn 03 giống Keo lai nuôi cấy mô đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống Quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật (BV10, BV16, BV32) đưa vào trồng mô hình 10 ha tại 02 huyện Yên Sơn và huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương và 02 ha tại hộ gia đình thuộc 02 huyện Yên Sơn và Sơn Dương), mật độ trồng 1.100 cây/ha và 1.330 cây/ha. Thời gian trồng tháng 6/2018, cây giống khi trồng có chiều cao từ 25-30 cm, đường kính gốc từ 0,25-0,3 cm; Dự án cũng theo theo dõi 02 ha mô hình trồng đại trà của người dân trồng tại 02 huyện Sơn Dương và Yên Sơn.

 
   
Cây trồng sau 6 tháng tại công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương



Cây trồng sau 6 tháng tại công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình


        Sau 28 tháng, cây Keo lai trồng trong mô hình sinh trưởng tương đối tốt và đồng đều, kết quả thu được như sau:
 
Bảng 1. Tổng hợp số liệu sinh trưởng trung bình các mô hình sau 28 tháng trồng
TT Địa điểm thực hiện Mật độ trồng (cây/ha) Tỷ lệ sống
(%)
Các chỉ tiêu sinh trưởng Trữ lượng trung bình (m3/ha)
D1,3 (cm) Hvn (m) Dt (m)
1 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình 1110 87,96 9,94 11,17 4,13 42,29
1330 88,89 10,57 11,07 4,14 47,9
2 Hộ bà Nguyễn Thị Hà, xã Tân Long, Yên Sơn 1110 90,74 9,45 10,79 3,7 38,07
1330 94,44 9,6 10,57 3,9 48,03
3 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương 1110 90,74 10,05 11,3 3,26 45,12
1330 87,04 9,91 11,34 3,08 50,6
4 Hộ bà Đoàn Thị Hải Triều, xã Đông Thọ, Sơn Dương. 1110 87,96 9,97 11,13 3,33 42,4
1330 83,33 9,88 11,18 3,6 47,48
Trung bình:   88,9 9,9 11,07 3,65 45,24












 
 

        Qua đánh giá các chỉ tiêu tại các mô hình trồng cây Keo lai sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, bước đầu cho thấy tỷ lệ sống của cây Keo lai mô trong các mô hình tương đối cao. Tỷ lệ sống sau trồng 12 tháng đạt trên 95%, sau trồng 28 tháng tỷ lệ sống trung bình của các mô hình đạt trên 88,9%, cho sinh trưởng D1,3 trung bình = 9,9 cm Hvn trung bình = 11,07 m, Dt trung bình = 3,65 m, trữ lượng trung bình của các mô hình đạt 45,24 m3/ha. Tại huyện Yên Sơn thời điểm 28 tháng cây trồng trong mô hình có đường kính ngang ngực dao động từ 9,45-10,57, chiều cao vút ngọn từ 10,57-11,17m, năng suất đạt từ 38,07-48,03 m3/ha; trong khi đó tại huyện Sơn Dương cây trồng trong mô hình có đường kính ngang ngực dao động từ 9,88-10,05, chiều cao vút ngọn từ 11,13-11,34, năng suất đạt từ 42,4-50,6 m3/ha.
 
Đo đếm sinh trưởng của cây trồng 28 tháng tuổi trong mô hình

Đoàn nghiệm thu mô hình tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương

 
        2. Đánh giá tình hình sinh trưởng, năng suất, hiệu quả kinh tế của cây Keo lai mô trồng trong mô hình với cây Keo lai mô trồng đại trà trên địa bàn huyện Yên Sơn và Sơn Dương

        Mô hình trồng đại trà (dùng làm đối chứng) tại 02 hộ dân tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn và xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được trồng vào tháng 4/2018, quy mô 02 ha với mật độ 1660 cây/ha, kết quả theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng của mô hình trồng đại trà như sau:

 
Bảng 2. Tổng hợp số liệu sinh trưởng trung bình các mô hình đại trà dùng làm đối chứng
TT Địa điểm thực hiện Mật độ trồng (cây/ha) Tỷ lệ sống
(%)
Các chỉ tiêu sinh trưởng Trữ lượng trung bình (m3/ha)
D1,3 (cm) Hvn (m) Dt (m)
1 Mô hình trồng đại trà tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn 1660 87 8,7 8,86 3,4 38,01
2 Mô hình trồng đại trà tại xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương 1660 80,56 8,31 10,05 2,88 40,27
Trung bình:   83,78 8,5 9,5 3,14 39,14
 

       
 


     
 
           Qua bảng 01 và 02 trên cho thấy: Mô hình trồng Keo lai mô của Dự án có thời gian trồng sau 2 tháng so với mô hình đại trà dùng làm đối chứng. Tuy nhiên, tỷ lệ sống, các chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất đạt được của mô hình Dự án cao hơn so với trồng đại trà, cụ thể: Tỷ lệ sống trung bình của cây Keo lai mô trong mô hình đạt trên 88,9%, Tỷ kệ sống cây Keo trồng đại trà đạt 83,78%; D1.3 của mô hình đạt 9,90 m, D1.3 mô hình trồng đại trà đạt 8,5 m; Hvn của mô hình đạt 11,07 m, Hvn mô hình trồng đại trà đạt 9,50 m; Dt của mô hình đạt 3,65 cm, Dt mô hình trồng đại trà đạt 3,14 cm; trữ lượng trung bình mô hình đạt 45.24 m3/ha, trồng đại trà đạt 39,14 m3/ha
 
Bảng 3. Tổng hợp kết quả tính toán các chỉ số về hiệu quả kinh tế trong các mô hình trồng rừng
của Dự án và đại trà của người dân tại tỉnh Tuyên Quang
Chỉ tiêu Mô hình dự án 1110 c/ha Mô hình dự án 1330 c/ha Mô hình đại trà của người dân
NPV= 19,644,968 21,844,379 13,125,523
BCR= 1.33 1.34 1.25
IRR= 16% 15% 14%
Dự kiến thu nhập sau 7 năm tuổi (đồng) 133,000,000 147,000,000 112,000,000
 

        Kết quả phân tích hiệu quả kinh tế cũng cho thấy tại thời điểm 28 tháng tuổi, các mô hình trong Dự án đều cho lợi nhuận cao hơn các mô hình người dân trồng đại trà trên cùng địa bàn. Ngoài ra, khi so sánh chỉ số NPV (giá trị lợi nhuận ròng hiện tại) ở mật độ 1330 cây/ha đều cao hơn mật độ 1110 cây/ha. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch là không lớn. Các chỉ số về BCR (tỷ lệ thu nhập trên chi phí) và IRR (tỷ suất hoàn vốn nội tại) của các mô hình trong dự án chênh lệch không vượt trội so với các mô hình trồng đại trà như kỳ vọng. Điều này có thể lý giải là do mật độ trồng rừng mà Dự án lựa chọn thí nghiệm (1110 cây/ha - 1130 cây/ha) đều rất thấp, trong khi tỷ lệ sống của rừng tại thời điểm 28 tháng có xu hướng giảm mạnh đã làm giảm năng suất rừng.

        Xét về mặt sinh trưởng của rừng, việc đầu tư kỹ thuật và phân bón trong mô hình của dự án đã cho sinh trưởng tốt cả về đường kính và chiều cao trong các mô hình mật độ khác nhau. Mặc dù vậy, xét về mặt năng suất rừng, cho thấy mật độ của rừng trồng có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của rừng. Điều này khẳng định rằng, mật độ trồng ban đầu là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh rừng trồng keo hiện nay đang có xu hướng giảm mạnh về mật độ theo cấp tuổi. Từ kết quả này, dự án khuyến cáo nên trồng rừng Keo lai mô ở mật độ cao hơn so với mật độ mà dự án đang thử nghiệm. Mật độ trồng hiện tại mà người dân đang áp dụng (khoảng 1660 cây/ha) là phù hợp và năng suất rừng sẽ đảm bảo nếu việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật cũng như suất đầu tư phù hợp như Dự án đang thực hiện.

        Dự án cũng đã khẳng định được giống cây Keo lai mô hoàn toàn thích hợp và có khả năng phát triển mở rộng thành vùng nguyên liệu cung cấp gỗ lớn và cũng đã đưa ra khuyến cáo về mật độ nên trồng Keo lai mô là 1.660 cây/ha, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng rừng trồng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ cho tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.


 
Phan Thị Thu Thủy
Sở Khoa học và Công nghệ

Tin cùng chuyên mục