,

Khoa học

Công tác kiểm tra thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ 6 tháng đầu năm 2021

        6 tháng đầu năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra đánh giá, tình hình thực hiện 15 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi đang triển khai trên địa bàn tỉnh

        Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra đánh giá, tình hình thực hiện 15 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy có nhiều đề tài, dự án đang triển khai có hiệu quả, có khả năng duy trì và nhân rộng trong thời gian tới, trong đó nổi bật có các đề tài, dự án sau:

        1. Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng đàn bò và chế biến thức ăn thô cho chăn nuôi bò thịt tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang”, thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Trung ương quản lý, Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ thương mại Hồng Ánh, xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương chủ trì thực hiện từ tháng 8/2018, kết thúc vào tháng 7/2021. Qua gần 03 năm thực hiện dự án đã đạt được các kết quả chính như sau:

        - Tiếp nhận, chuyển giao 10 quy trình công nghệ từ tổ chức hỗ trợ ứng dụng công nghệ (Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì), gồm: (1) Quy trình kỹ thuât thụ tinh nhân tạo cho bò bằng tinh cọng rạ. (2) Quy trình gây động dục đồng loạt (đồng pha) cho bò. (3) Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng bò cái sinh sản. (4) Quy trình trồng một số giống cỏ làm thức ăn xanh thô cho bò. (5) Quy trình phòng và trị bệnh cho bò thịt. (6) Quy trình chế biến một số cỏ, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho bò. (7) Quy trình ủ rơm bằng urê làm thức ăn cho bò. (8) Quy trình xử lý chất thải chăn nuôi và giảm mùi hôi trong chăn nuôi bò. (9) Quy trình cai sữa sớm bê con theo mẹ và giai đoạn sau cai sữa. (10) Quy trình nuôi bò thịt thâm canh (đực và cái).
         - Đào tạo 5 kỹ thuật viên và tập huấn cho 200 lượt người dân vùng thực hiện dự án.
      - Triển khai thực hiện mô hình nuôi bò tập trung, quy mô 70 con bò cái lai Zebu và 01 con bò đực giống ¾ máu lai Brahman đỏ. Kết quả, đàn bò cái đã sinh sản được 44 bê con (gồm 20 bê đực và 24 bê cái), đạt 97,8% sản phẩm dự kiến; khối lượng bê sơ sinh trung bình đạt 24,5 kg/con (đạt mục tiêu đề ra > 22kg/con).
        - Triển khai thực hiện mô hình nuôi bò phân tán tại 9 hộ dân, quy mô 100 con bò cái lai Zebu (trong đó nhà nước hỗ trợ 15 con, hộ dân tham gia mô hình đối ứng 85 con) và 01 con bò đực giống ¾ máu lai Brahman đỏ. Kết quả, đàn bò cái đã sinh sản được 49 bê con (gồm 26 bê đực và 23 bê cái), đạt 89,1% sản phẩm dự kiến; khối lượng bê sơ sinh trung bình đạt 23,2 kg/con (đạt mục tiêu đề ra > 22kg/con).
        - Triển khai thực hiện mô hình trồng cỏ thâm canh và chế biến thức ăn thô xanh, quy mô 25 ha. Kết quả, tổng sản lượng cỏ xanh mô hình đã thu được 640 tấn, đạt 85,3% sản lượng dự kiến.
        - Triển khai thực hiện mô hình chế biến thức ăn thô (ủ chua thức ăn cho bò), quy mô 13 hố ủ. Kết quả, tổng sản lượng sản phẩm ủ chua đạt được 909 tấn, đạt 94,7% sản lượng dự kiến.

 
Mô hình nuôi bò tập trung tại Công ty TNHH MTV dịch vụ thương mại Hồng Ánh Mô hình nuôi bò phân tán tại hộ bà Bùi Thị Vượng, xã Trường Sinh (Sơn Dương)


        2. Dự án “Ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý hiệu quả chất thải chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”, thuộc Chương trình nông thôn miền núi do địa phương quản lý, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì thực hiện từ tháng 8/2019, kết thúc vào tháng 7/2021. Qua gần 02 năm thực hiện dự án đã đạt được các kết quả chính như sau:
        - Tiếp nhận chuyển giao 03 quy trình công nghệ: (1) Phối hợp khẩu phần cân bằng dinh dưỡng cho lợn thương phẩm. (2) Quản lý chất thải lỏng chăn nuôi bằng biogas cải tiến. (3) Quản lý chất thải rắn trong chăn nuôi lợn theo công nghệ nhật bản-VCN.
        - Đào tạo 5 kỹ thuật viên và tập huấn cho 100 người dân vùng thực hiện dự án.
        - Triển khai hực hiện mô hình quản lý chất thải chăn nuôi lợn, quy mô 100 con/năm x 2 năm, tại 01 hộ dân thuộc xã Đại Phú, huyện Sơn Dương. Kết quả, hộ dân đã nuôi, xuất bán 100 con lợn thương phẩm (lứa 1) đạt tổng khối lượng 12.189 kg lợn hơi. Đang nuôi 100 con lợn thương phẩm (lứa 2). Thu gom phân bằng máy hút tách nước ra khỏi phân từ bể lắng để ủ phân theo công nghệ Nhật Bản-VCN, đã ủ và bán được 14 tấn phân chuồng hoai mục.                                        
        - Triển khai hực hiện mô hình quản lý chất thải chăn nuôi lợn, quy mô 50 con/năm x 2 năm, tại 01 hộ dân thuộc xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương. Kết quả, hộ dân đã nuôi, xuất bán 50 con lợn thương phẩm (lứa 1) đạt tổng khối lượng 5.783 kg lợn hơi. Đang nuôi 50 con lợn thương phẩm (lứa 2). Thu gom, ủ phân theo công nghệ Nhật Bản-VCN và bán được 7 tấn phân chuồng hoai mục.
        - Triển khai hực hiện mô hình quản lý chất thải chăn nuôi lợn, quy mô 15-20 con/năm/hộ x 2 năm, tại 10 hộ dân thuộc xã Hợp Hòa (5 hộ), xã Sơn Nam (5 hộ), huyện Sơn Dương. Kết quả, các hộ dân đã nuôi, xuất bán 200 con lợn thương phẩm (lứa 1) đạt tổng khối lượng 23.540 kg lợn hơi. Đang nuôi 200 con lợn thương phẩm (lứa 2). Thu gom, ủ phân theo công nghệ Nhật Bản-VCN và bán được 25 tấn phân chuồng hoai mục.
        - Lấy 98/98 mẫu khí đạt 100%, phân tích các chỉ tiêu về NH3 và H2S. Lấy 68/78 mẫu nước thải chăn nuôi đạt 87,2%, phân tích các chỉ tiêu pH, BOD5, COD, TSS, tổng N, coliform. Lấy 87/112 mẫu khí nhà kính đạt 77,7%, phân tích các chỉ tiêu CO2, CH4, N2O. Lấy 40/56 mẫu phân đạt 71,4%, phân tích các chỉ tiêu DM, pH, N tổng số, P tổng số, K tổng số. Hiện nay, dự án đang tiếp tục lấy mẫu theo tiến độ (dự kiến hoàn thành trong tháng 7/2021) để phân tích, tổng hợp số liệu, so sánh, đánh giá hiệu quả sử dụng thức ăn phối trộn, hiệu quả xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn so với phương pháp chăn nuôi truyền thống.

 
Mô hình nuôi lợn thương phẩm quy mô 100 con/năm Máy ép tách phân lợn tại hộ ông Hoàng Mạnh Cường, xã Đại Phú (Sơn Dương)


        3. Dự án “Ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho chè trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang”, là dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh do Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện từ tháng 9/2019, kết thúc vào tháng 8/2021. Để đạt được mục tiêu ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho chè, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng chè, giảm chi phí chăm sóc, bón phân, công lao động và giảm lượng nước tưới, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm dự án đã triển khai các nội dung và đạt được một số kết quả chính như sau:
        - Điều tra, khảo sát, lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình.
        - Thiết kế, lắp đặt, thử nghiệm vận hành và hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật của hệ thống tưới phun mưa cho 02 ha chè LDP1 tuổi 6, tại hộ ông Đỗ Mạnh Thắng, HTX dịch vụ, sản xuất, chế biến chè Ngân Sơn-Trung Long thuộc xã Trung Yên, huyện Sơn Dương. Hiện nay hệ thống tưới đã hoạt động ổn định, bước đầu mang lại hiệu quả cho người dân trồng chè. Qua theo dõi cho thấy năng suất trung bình mỗi lứa chè đạt 0,56 tấn chè búp tươi/lứa/ha.
        - Tổ chức hội nghị đầu bờ thăm quan, giới thiệu mô hình đến với người dân trồng chè trên địa bàn xã Trung Yên, huyện Sơn Dương.

 
Tưới phun mưa cho chè tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương
Bể chứa nước tưới cho chè
       
        Qua kiểm tra cho thấy đa số các đề tài, dự án cấp tỉnh, các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã triển khai thực hiện đảm bảo về nội dung, quy mô so với hợp đồng đã ký với Sở Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chương trình nông thôn miền núi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các yếu tố khách quan như: Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống bệnh dịch Covid-19, nên có một số đề tài, dự án thực hiện còn chậm tiến độ, nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến kết quả chung của đề tài, dự án.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý việc tổ chức triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra thực tế tại các địa điểm triển khai, để kịp thời nắm bắt thông tin, hướng dẫn các đơn vị triển khai đề tài, dự án đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

 
                                                                                                                                                                                     Phạm Thị Dung
Sở Khoa học và Công nghệ

Tin cùng chuyên mục