,

Tiêu chuẩn ĐLCL

Quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

         Ngày 22/01/2019, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

        Ngày 22/01/2019, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (sau đây gọi là Hiệp định). Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08/3/2019.

        Một số nội dung quy định cụ thể tại Thông tư 03/2019/TT-BCT như sau:

        1. Phạm vi điều chỉnh
        Thông tư này quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

        2. Đối tượng áp dụng:
        Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:
- Cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
- Thương nhân.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu theo Hiệp định.

        3. Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa
        3.1. Cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
        - Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp:
        + Riêng cho từng lô hàng vào lãnh thổ của một Nước thành viên.
        + Chung cho nhiều lô hàng đối với hàng hóa giống hệt nhau trong khoảng thời gian không quá 12 tháng trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
        - Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực trong vòng 1 năm sau ngày phát hành hoặc lâu hơn theo quy định pháp luật của Nước thành viên nhập khẩu.

        3.2. Miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
        - Thương nhân được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong 02 trường hợp sau:
        + Trị giá hải quan của lô hàng nhập khẩu không quá 1.000 USD hoặc tương đương với đồng tiền của nước thành viên nhập khẩu hoặc theo quy định của nước thành viên nhập khẩu nếu quy định về trị giá miễn chứng từ cao hơn.
        + Hàng hóa được nước thành viên nhập khẩu miễn hoặc không yêu cầu nhà nhập khẩu phải xuất trình C/O.
        - Thương nhân không được miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp việc nhập khẩu là một phần thuộc một chuỗi các hoạt động nhập khẩu được tiến hành hoặc đã lên kế hoạch nhằm trốn tránh quy định nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Nước thành viên nhập khẩu để hưởng ưu đãi thuế quan.

        3.3 Nghĩa vụ liên quan đến xuất khẩu
        - Thương nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp sai thông tin trong chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
        - Trường hợp nhà xuất khẩu, nhà sản xuất nhận thấy những thông tin, dữ liệu trong chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa chưa chính xác hoặc chưa đáp ứng các quy định về xuất xứ, nhà xuất khẩu, nhà sản xuất có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản kịp thời cho nhà nhập khẩu và cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên nhập khẩu.

        Cũng theo Thông tư 03/2019/TT-BCT, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày 08/3/2019 để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định và theo quy định của nước thành viên nhập khẩu.


 
Nguồn: Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng


 

Tin cùng chuyên mục