,

Công nghệ

Nông dân sáng kiến máy phun thuốc tự động

        Ông Nguyễn Thế Sỹ, thôn Hòa Bình, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn đã cải tiến chiếc máy rửa xe thành hệ thống phun thuốc khử trùng tự động, thay thế cho sức người. Sáng kiến này hiện đã được hầu hết các chốt, trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh áp dụng.
         Thời điểm này, các trạm, chốt kiểm dịch động vật có vai trò hết sức quan trọng trong kiểm soát, ngăn chặn vật nuôi mang virus gây bệnh từ nơi này đến nơi khác. Làm việc liên tục trong điều kiện xe cộ qua lại đông đúc, không tránh khỏi những va quệt, tai nạn cho những thành viên trong tổ phun thuốc khi làm nhiệm vụ. Chứng kiến những khó khăn này, nông dân Nguyễn Thế Sỹ, thôn Hòa Bình, xã Đội Bình (Yên Sơn) đã cải tiến chiếc máy rửa xe thành hệ thống phun thuốc khử trùng tự động, thay thế cho sức người. Sáng kiến này hiện đã được hầu hết các chốt, trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh áp dụng.

         Đối mặt nguy hiểm

         Một ngày, chỉ tính riêng lượng xe ô tô qua lại Trạm kiểm dịch động vật Sơn Nam (Sơn Dương) cũng lên đến 1.600 - 1.700 xe. Ông Trần Quốc Hoàn, Tổ trưởng tổ công tác phòng chống dịch bệnh (thuộc Trạm Kiểm dịch động vật Sơn Nam) cho biết, từ đầu tháng 3, tổ công tác túc trực 24/24 giờ kiểm soát, phun thuốc khử trùng tất cả các phương tiện đi vào huyện. 


Hệ thống phun thuốc khử trùng tự động tại Trạm kiểm dịch động vật Đội Bình (Yên Sơn) thay thế hoàn toàn lao động trực tiếp,
góp phần đảm bảo an toàn giao thông. 

 

         Theo ông Hoàn, để phun thuốc khử trùng đều khắp mỗi phương tiện đi qua, thời gian đầu, cứ 2 thành viên trong tổ phun đứng phân làn 2 bên, đeo bình phun từ đầu đến cuối xe. Bình quân mỗi ngày, chốt kiểm dịch này sử dụng hết khoảng 8 lít thuốc khử trùng, tương đương với 16 thùng phuy đựng 200 lít nước. Anh Lương Văn Nằng chia sẻ, trong quá trình tác nghiệp, không tránh khỏi việc bị xe ô tô chạy ẩu, chạy nhanh va quệt phải. Mỗi lần đeo bình phun, anh cũng như các thành viên trong tổ đều phải chú ý quan sát để tránh thương tích, ảnh hưởng đến an toàn của bản thân.

         Trạm kiểm dịch động vật Đội Bình (Yên Sơn) mỗi ngày cũng phải xử lý, phun khử trùng cho từ 2.200 - 2.500 xe ô tô đi qua. Anh Nguyễn Thế Dương - thành viên trong tổ phun thuốc khử trùng tại chốt cho biết, ngay ngày đầu tiên thực hiện phun khử trùng phòng chống dịch tả lợn châu Phi (khoảng đầu tháng 3- 2019), chính anh đã phải vứt bỏ cả bình phun thuốc khi một chiếc xe “hổ vồ” chạy tốc độ cao lao đến để giữ an toàn tính mạng. 

         Anh Trần Việt Long, Tổ phó tổ công tác phòng chống dịch bệnh thuộc Trạm kiểm dịch động vật Đội Bình cho biết, với lưu lượng xe cộ qua lại lớn, việc người phun thuốc khử trùng trực tiếp đeo bình đứng phun phải đối mặt với rất nhiều bất trắc, ảnh hưởng đến tính mạng. 

         Cải tiến nhỏ, lợi ích lớn

         Giờ đây hình ảnh những thành viên tổ phun thuốc “cõng” bình phun khử trùng làm nhiệm vụ trực tiếp tại các chốt, trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh đang dần được thay thế bằng hệ thống máy phun tự động do nông dân Nguyễn Thế Sỹ cải tiến thành công. 

         Ông Nguyễn Thế Sỹ, thành viên tổ phun thuốc khử trùng tại Trạm kiểm dịch động vật Đội Bình là người nhận thấy những bất cập khi phun thuốc thủ công gây ra. Ông Sỹ bảo, ngày đầu tiên thực hiện phun khử trùng, chứng kiến việc người phun thuốc bị xe chạy nhanh, chạy ẩu va quệt khiến ông rất ám ảnh. Thêm vào đó, thời gian phun khử trùng cho mỗi chiếc xe kéo dài từ 2 - 4 phút, những xe công-ten-nơ dài đến 14 - 15 mét thì mất nhiều thời gian hơn... nên ngay ngày đầu tiên, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ thực hiện phun thuốc khử trùng tại trạm kiểm dịch Đội Bình, đã gây ách tắc ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện qua lại đoạn đường này.  


Ông Nguyễn Thế Sỹ vận hành chiếc máy phun thuốc khử trùng tự động do mình cải tiến.

 

         Sau một buổi phun thủ công, ông nông dân Nguyễn Thế Sỹ đã đề xuất với cán bộ tại Trạm kiểm dịch động vật Đội Bình cải tiến máy rửa xe thành hệ thống phun thuốc tự động. Theo đó, ông tận dụng các vòi phun thuốc sâu đặt cách đều nhau trên dây dẫn nước, mỗi vòi cách nhau từ 30 - 40 cm. Hệ thống phun này được đặt 2 bên dải phân cách thay thế cho người đứng phun trực tiếp. 

         Theo Tổ phó Tổ phòng chống dịch bệnh thuộc Trạm kiểm dịch động vật Đội Bình Trần Việt Long, khi hệ thống phun thuốc khử trùng tự động của ông Nguyễn Thế Sỹ được đưa vào vận hành đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành nhiệm vụ tại trạm. Lợi ích quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho chính những người thực hiện nhiệm vụ; giảm ách tắc giao thông, khi mỗi xe ô tô đi qua, hệ thống chỉ mất từ 2-5 giây để phun đều thuốc từ nóc xe trở xuống. Hệ thống này cũng giảm bớt công lao động, khi mỗi ca trực chỉ cần một người trong tổ phun điều khiển cần gạt tay để bơm thuốc từ các thùng phuy lên dây dẫn. 

         Thấy được hiệu quả của hệ thống phun thuốc khử trùng tự động tại Trạm kiểm dịch động vật Đội Bình, hầu hết các trạm kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh đã đến học hỏi và mô hình được nhân rộng ra thực tiễn. Anh Trần Quốc Hoàn, Tổ trưởng tổ công tác phòng chống dịch bệnh Sơn Nam chia sẻ, từ khoảng 10-4 vừa qua, Trạm kiểm dịch động vật Sơn Nam đã học tập mô hình từ Trạm kiểm dịch Đội Bình, nhưng theo hình thức bán tự động, 1 bên sử dụng máy phun tự động, 1 bên vẫn là thành viên thuộc tổ phun, để có thể điều tiết được xe, xử lý tình huống bất ngờ trong lúc làm nhiệm vụ. Theo anh Hoàn, dù là bán tự động, nhưng việc phun thuốc theo hình thức này nhanh hơn, hiệu quả hơn gấp đôi, gấp ba lần so với phun thuốc thủ công trước đây.

         Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Thành cho biết, hiện các chốt, trạm kiểm dịch tại Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa... đã áp dụng sáng kiến cải tiến phun thuốc tự động của ông Nguyễn Thế Sỹ. Không chỉ được áp dụng trong địa bàn tỉnh, hiện nay, sáng kiến phun thuốc khử trùng tự động của nông dân Nguyễn Thế Sỹ đã vượt ra “biên giới” tỉnh nhà và được các địa phương lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Cạn đến tận nơi học tập kinh nghiệm và áp dụng. 

         Hỏi vui nông dân Nguyễn Thế Sỹ về câu chuyện “bản quyền”, ông bảo, giờ “nước sôi lửa bỏng” thế này, mình cải tiến máy móc hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho người chăn nuôi của tỉnh mình là hạnh phúc rồi, còn tính gì đến chuyện mua bán, đăng ký bản quyền nữa... Rồi ông khoe thêm, ngay cả chủ các trang trại chăn nuôi ở Bắc Ninh, Bắc Giang khi đi qua đây cũng dừng lại quay phim, chụp ảnh và hỏi trực tiếp kỹ thuật từ ông để về lắp đặt tại trang trại của gia đình.
 

Nguồn: baotuyenquang.com.vn

 

Tin cùng chuyên mục