,

Khoa học

Tăng cường công tác Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

        Tại tỉnh Tuyên Quang với 22 dân tộc anh em sinh sống từ lâu đời, trong đó chiếm tỷ lệ đông là các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Mông,…Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, ngành giáo dục đã tích cực triển khai, lồng ghép, tích hợp  nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá các DTTS vào chương trình giảng dạy chính khóa và ngoại khóa thông qua các môn học thuộc khoa học xã hội và nhân văn hoặc liên môn,…
        Coi trọng bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị về vǎn hóa, vǎn học, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ cụ thể được xác định tại Nghị quyết số 03-NQ/TƯ ngày 16/7/1998 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xác định vai trò quan trọng của việc bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc, ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” xác định rõ giải pháp đột phá là đào tạo nhân lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc ở huyện, tỉnh. Gắn bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ở địa phương; đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế; hài hòa giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.

        Tại tỉnh Tuyên Quang với 22 dân tộc anh em sinh sống từ lâu đời, trong đó chiếm tỷ lệ đông là các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Mông,…Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, ngành giáo dục đã tích cực triển khai, lồng ghép, tích hợp  nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá các DTTS vào chương trình giảng dạy chính khóa và ngoại khóa thông qua các môn học thuộc khoa học xã hội và nhân văn hoặc liên môn,…

        Đặc biệt, nhằm định hướng giúp giáo viên trên địa bàn tỉnh trong quá trình giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì thực hiện đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh” do ông Hoàng Văn Thinh, Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2017, với mục tiêu: Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường phổ thông. Từ mục tiêu trên, đề tài triển khai 05 nội dung chính như: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa các dân tộc thiểu số trong nhà trường phổ thông; đánh giá thực trạng công tác giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; đề xuất một số giải pháp thực hiện giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh;.... Sau gần 3 năm thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả như:

        1. Nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của công ác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc thiểu số trong trường phổ thông. Theo số liệu khảo sát của đề tài, năm 2017, tỉnh có 07 trường Phổ thông dân tộc nội trú, trong đó có 05 trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS, 01 trường PTDTNT THCS và THPT, 01 trường PTDTNT THPT tỉnh, trong đó có 03 trường đạt chuẩn quốc gia với trên 2.300 học sinh. Ngoài ra, tỉnh có 13 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS với trên 4.000 học sinh. Triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai thực hiện chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học vùng DTTS, miền núi; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi; bao đảm chất lượng dậy Tiếng Việt và tiếng DTTS.

        2. Đánh giá thực trạng việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các DTTS tại các trường phổ thông, đề tài đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến đánh giá tại 21 trường phổ thông gồm 07 trường Tiểu học, 07 trường THCS và 07 trường THPT với đối tượng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh với 1.084 phiếu (34 cán bộ quản lý; 300 giáo viên; 750 học sinh).
        - Qua khảo sát nhận thức của cán bộ, giáo viên về tầm quan trọng và vai trò của giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS cho học sinh phổ thông, kết quả cho thấy, 100% cán bộ quản lý các trường PTDTNT, PTDTBT nhận thức được sự cần thiết giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS cho học sinh phổ thông và xác định là nhiệm vụ của trường. Trên 94% cán bộ quản lý và giáo viên đánh giá đúng vai trò quan trọng của giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS cho học sinh là nhiệm vụ của các trường phổ thông và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với các trường PTDTNT, PTDTBT và các trường phổ thông ở vùng có đông DTTS sinh sống.
        - Khảo sát nhận thức và mức độ hiểu biết của học sinh phổ thông về vai trò của giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS trong các nhà trường, hiện chỉ có trên 50% học sinh nắm vững tên các địa danh di tích lịch sử cách mạng của địa phương; đa số học sinh trường PTDTNT có trang phục truyền thống; nhiều học sinh DTTS biết chơi và có khả năng biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc mình; trên 90% học sinh phổ thông (100% học sinh trườn PTDTNT) đều nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS là cần thiết;...
        - Việc tổ chức, triển khai các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS cho học sinh phổ thông. Đối với các trường PTDTNT, PTDTBT và trường phổ thông ở vùng DTTS trên địa bàn tỉnh, theo hướng dẫn triển khai nhiệm vụ giáo dục dân tộc hằng  năm của Sở Giáo dục và Đào tạo, 100% các trường đã tổ chức thực hiện đưa nội dung giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa DTTS vào hoạt động giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên, hầu hết cán bộ quản lý và giáo viên công tác tại trường phổ thông đều cho rằng hiệu quả chưa rõ rệt,...
        - Về hình thức và thời lượng, thời gian thực hiện nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS trong các trường phổ thông.
        + Tích hợp vào giờ học chính khóa của các môn học liên quan, cụ thể:

 
Môn học Lớp Số tiết
Ngữ văn Lớp 6 1
Lớp 7 1
Lớp 9 5
Lịch Sử Lớp 6 2
Lớp 7 2
Lớp 8 2
Lớp 9 2
Địa lý Lớp 9 1


Giáo dục công dân
Lớp 6 1
Lớp 7 4
Lớp 8 4
Lớp 9 2
(Bảng Thời lượng dạy học tích hợp giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS vào các môn học trong các trường phổ thông)

        Qua điều tra tại 19 trường THCS, 7 trường PTDTNT và 10 trường PTDTBT THCS cho thấy từ năm học 2014 -2015 đến nay tất cả các trường PTDTNT, PTDTBT đều tổ chức dạy học tích hợp nội dung giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc vào các môn văn hóa gồm: Ngữ văn 07 tiết; Lịch sử 08 tiết; môn Địa lý 01 tiết; môn Giáo dục công dân 11 tiết. Thời gian tích hợp trong mỗi tiết học được thực hiện linh hoạt lồng ghép phù hợp theo nội dung tiết học do giáo viên chủ động thực hiện.
       + Lồng ghép vào tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, cụ thể:

 
TT Loại trường                          Mức độ thực hiện
Tổ chức từ 2 đến
5 buổi
Đã tổ chức Chưa tổ chức
1 PTDTNT 71,42% 28,58% 0
2 PTDTBT 40% 50% 10%
3 Trường phổ thông 25% 30% 35%
(Bảng Thời lượng dạy học tích hợp giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS vào hoạt động ngoài giờ lên lớp tại các trường phổ thông)

        Qua bảng kết quả thống kê cho thấy, hơn 70% (5/7 trường PTDTNT) đã đưa nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS thành nội dung tổ chức thường xuyên, định kỳ trong năm học, 28,58% đã tổ chức thực hiện ít nhất  một lần trong năm; 6/10 trường PTDTBT THCS đã tổ chức hoạt động định kỳ trong năm, 5/10 trường đã tổ chức và còn 01 trường chưa tổ chức. Đối với các trường phổ thông hiện chỉ có 25% số trường đưa vào tổ chức thường xuyên, 30% trường đã tổ chức và còn 35% trường phổ thông điều tra chưa tổ chức.
        Qua đánh giá thực trạng, đề tài nhận định, thời gian qua công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS đã được các trường PTDTNT, PTDTNBT quan tâm thực hiện; một số trường có các hoạt động chuyên sâu về giáo dục văn hóa các dân tộc thiểu số, nhiều trường đã thành lập các câu lạc bộ hát Then, câu lạc bộ tiếng DTTS; tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chương trình quản lý, tiếng DTTS,...Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS ở các trường phổ thông vẫn chưa được thường xuyên; nội dụng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS trong hầu hết các trường chưa xây dựng thành kế hoạch, chương trình,...

        3. Để thực hiện mục tiêu, nội dung giáo giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS tỉnh Tuyên Quang cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, đề tài đã đưa ra 02 nhóm giải pháp chung và 11 giải pháp cụ thể, gồm:

        * Nhóm giải pháp về công tác chỉ đạo, quản lý: Nhóm giải pháp này hướng tới các đối tượng là cấp ủy và chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và các cơ quan hữu quan.
        - Giải pháp 1: Tăng cường công tác lãnh đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.
        - Giải pháp 2: Tăng cường chức năng, nhiệm vụ tham mưu, phối hợp của các cơ quan quản lý giáo dục.
        - Giải pháp 3: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, của toàn xã hội.
        - Giải pháp 4: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các trường phổ thông.
        - Giải pháp 5: Huy động các lực lượng xã hội tham gia giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS tỉnh Tuyên Quang cho học sinh phổ thông.
        * Nhóm giải pháp đối với giáo viên và các tổ chức trong nhà trường. Nhóm giải pháp này hướng tới các đối tượng là giáo viên, cán bộ quản lý và các tổ chức trong nhà trường như Tổ chuyên môn, công đoàn, Đoàn Thanh niên, Đội thiếu niên tiền phong,...là các lực lượng trực tiếp giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS cho học sinh.
        - Giải pháp 1: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS cho học sinh.
        - Giải pháp 2: Tích hợp vào giờ dạy chính khóa.
        - Giải pháp 3: Tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
        - Giải pháp 4: Lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt và tổ chức các hoạt động ngoại khóa.
        - Giải pháp 5: Phát huy vai trò của Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên tiền phong trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục.
        - Giải pháp 6: Huy động sự tham gia của cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội.

 
        4. Trên cơ sở giải pháp đề xuất, đề tài đã được xây dựng mô hình ứng dụng các giải pháp (27 trường Tiểu học, 28 trường THCS của huyện Chiêm Hóa; Trường THPT Tháng 10, huyện Yên Sơn và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lâm Bình, huyện Lâm Bình). Kết quả khảo nghiệm nhận thức về tính cần thiết và tính khả thi của các biện pháp, giải pháp đề xuất được dánh giá là cần thiết và có khả năng thực hiện do đã bám sát Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ hông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát huy được tính sáng tạo của nhà trường, giáo viên trong việc rèn luyện phẩm chất, năng lực của học sinh. Việc thực hiện tốt các nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa DTTS tỉnh Tuyên Quang cho học sinh sẽ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời giúp học sinh có kiến thức và hiểu biết sâu hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh.
 
 
 

Tin cùng chuyên mục