,

Sở hữu trí tuệ

Khởi nghiệp từ quê hương Tuyên Quang

        Mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, cô gái dân tộc Tày Trịnh Thị Thảo ở xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã quyết tâm khởi nghiệp từ những sản phẩm tre thủ công của địa phương.
        Mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, cô gái dân tộc Tày Trịnh Thị Thảo ở xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã quyết tâm khởi nghiệp từ những sản phẩm tre thủ công của địa phương. Chị đã thành lập hợp tác xã Nhật Minh, nhằm tạo ra những sản phẩm tre lưu niệm gần gũi, thân thiện với môi trường và tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nhân dân góp phần xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo.

        Sống thuận theo tự nhiên, cách làm của chị Thảo là dựa hoàn toàn vào hệ sinh thái. Hiện nay, việc sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, không chất bảo quản và thân thiện với môi trường đang là lựa chọn tối ưu với người tiêu dùng thông thái. Nắm bắt được tâm lí và xu thế của người tiêu dùng, HTX Nhật Minh đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương đó là cây tre gai, cây tế, cây mây… để thiết kế những sản phẩm thủ công như cốc tre, dĩa tre, thìa tre, gáo múc rượu, giỏ xách, khay đựng, bàn ghế bằng tre vừa độc đáo, thân thiện để du khách làm quà lưu niệm cũng như cung cấp cho thị trường. Các sản phẩm thủ công từ mây, tre tuy không mới lạ nhưng kiểu mẫu và hồn cốt của HTX Nhật Minh lại thổi được kí ức hồn quê vào sản phẩm đó mới chính là điều làm nên sự khác biệt.
 

Những sản phẩm tre thủ công của HTX Nhật Minh
 
        Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường từ 1.800 đến 2.300 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu hơn 50 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương trung bình từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Ngoài các sản phẩm tre thủ công  HTX còn thi công các công trình tre, gỗ mái lá cho các khu du lịch sinh thái, các quán café…thiết kế tiểu cảnh từ mây tre tại các khu vui chơi & Homestay tại địa bàn huyện và các địa phương lân cận.

        Mặc dù quy mô phát triển còn nhỏ hẹp và số lượng sản phẩm sản xuất chưa nhiều nhưng sau một năm hoạt động HTX Nhật Minh đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Để khai thác tối đa lợi thế, HTX đã mạnh dạn đầu tư mua máy khắc, máy chà, máy cắt, máy đục, máy khoan, máy bắn lỗ, chốt. Có máy móc, năng suất sản phẩm tăng cao, mẫu mã đa dạng, bắt mắt hơn. Tuy nhiên với đặc thù của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn phải cần đôi bàn tay khéo léo của người thợ tạo khuôn hình để giữ được bản sắc và hồn cốt của sản phẩm. Chính những nét độc đáo trong bản sắc, mang đậm kí ức hồn quê đã tạo nên những món quà lưu niệm được ưa chuộng, lựa chọn của khách du lịch khi đến với Lâm Bình.
      
        Để các sản phẩm thủ công của HTX tiếp cận được nhiều hơn với người tiêu dùng và đạt chất lượng chị Thảo thường xuyên tổ chức cho các thành viên đi học tập kinh nghiệm sản xuất của các làng nghề ở các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Hà Nội… để học hỏi kinh nghiệm và nâng cao tay nghề cho thợ. Kết nối với các công ty du lịch để trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hộ gia đình làm Homestay tại địa phương, các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại lễ hội, hội chợ…Và đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội truyền thông như Facebook, Zalo, Instagram, Gapo thì việc quảng bá các sản phẩm đến khách hàng cũng thuận tiện và hiệu quả hơn.
Trong năm 2019 chị Thảo vinh dự là một trong những đại diện tiêu biểu của phụ nữ tỉnh Tuyên Quang tham gia cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. Thật tự hào và vinh dự khi mô hình sản xuất các sản phẩm thủ công từ tre của HTX Nhật Minh đã vượt qua 34 ý tưởng khởi nghiệp khu vực phía Bắc và lọt vào Top 3 dự án được kết nối với nhà đầu tư quốc tế ông Ousmane Dione- Giám đốc ngân hàng thế giới tại Việt Nam (World bank). Tại Diễn đàn, các tác giả có cơ hội kết nối đầu tư, tư vấn hoàn thiện mô hình kinh doanh, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp, cũng như trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những giải pháp nhằm phát huy cao nhất tiềm năng đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của phụ nữ.   

        Với sự hỗ trợ về kinh phí và định hướng, tư vấn phát triển của nhà đầu tư nước ngoài  HTX Nhật Minh có thêm cơ hội để phát triển và đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường. Đây là một bước đệm để HTX tiếp tục yên tâm, tin tưởng khởi nghiệp từ nghề thủ công của địa phương, mang lại thu nhập ổn định và khẳng định thương hiệu sản phẩm. Mô hình phát triển của HTX Nhật Minh, Trịnh Thị Thảo là một phụ nữ người dân tộc thiểu số tiêu biểu ở huyện Lâm Bình đang biến giấc mơ, khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình thành hiện thực./.



 
Công Trịnh

Tin cùng chuyên mục