,

Sở hữu trí tuệ

Tuyên Quang - Những “cánh én” khởi nghiệp

        Những dự án khởi nghiệp của thanh niên được ví như những cánh én nhỏ. Là bởi, hầu hết những dự án này đều khởi nguồn từ cộng đồng, vì cộng đồng và được kỳ vọng sẽ mang lại những đổi thay lớn cho cộng đồng.
        Những dự án khởi nghiệp của thanh niên được ví như những cánh én nhỏ. Là bởi, hầu hết những dự án này đều khởi nguồn từ cộng đồng, vì cộng đồng và được kỳ vọng sẽ mang lại những đổi thay lớn cho cộng đồng.

        “Một cánh én không làm nên mùa xuân…”

        Hợp tác xã Dịch vụ Thanh niên Trung Hà (Chiêm Hóa) thành lập tháng 9-2019 với sự góp sức của 7 thanh niên trong xã, ngành nghề chính là phát triển dịch vụ homestay gắn với tiêu thụ nông sản cho người dân trong xã. Thành viên lớn tuổi nhất hợp tác xã sinh năm 1989, thành viên nhỏ tuổi nhất sinh năm 1992. Và bất ngờ, khi Giám đốc Hợp tác xã là Ma Văn Tuyển, cậu thanh niên sinh năm 1992 - người trẻ tuổi nhất hợp tác xã. Tuyển bảo, mình mất hơn 1 năm để xây dựng ý tưởng, mất thêm 3 tháng nữa vận động những thành viên còn lại. Để tăng sức thuyết phục, anh tổ chức một nhóm “phượt” đến thăm các mô hình tương tự ở Hà Giang, Lâm Bình, Na Hang. Sau những chuyến đi này, thì cả nhóm đồng lòng góp vốn cùng anh tham gia. Tuyển chia sẻ, số vốn mà các thành viên trong hợp tác xã đóng góp là hơn 600 triệu đồng. Ngay sau khi có vốn hoạt động, hợp tác xã đã xây dựng một homestay tại khu vực thác Bản Ba, với lượng khách lưu trú 1 đêm trên dưới 50 người. Đồng thời, kết nối với người dân trong khu vực trồng và bao tiêu các loại rau đặc sản, thịt dê, thịt lợn đen… Dự kiến homestay của hợp tác xã mở cửa đón khách trước dịp nghỉ lễ 30 - 4 năm sau.

 

Chị Đặng Thị Dương (người đầu tiên bên phải) chuẩn bị phòng đón khách du lịch
 đến nghỉ tại homestay của gia đình.     Ảnh: Quốc Việt

        Giống như mô hình của Hợp tác xã Dịch vụ Thanh niên Trung Hà, mô hình phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp cộng đồng xã Hồng Thái của Đặng Thị Dương cũng là một trong những mô hình homestay đầu tiên của xã Hồng Thái (Na Hang). Tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đặng Thị Dương, cô gái người Dao Tiền sinh năm 1993 quay trở về Hồng Thái làm cán bộ văn hóa xã. Dương kể, hiện Hồng Thái đang là điểm du lịch mới của huyện Na Hang với nhiều dự án trồng rau sạch hướng đến chuẩn VietGAP đã được chỉ dẫn địa lý, đặc biệt nhất phải kể đến giống lê đặc sản. Dương tự hào, chỉ có khí hậu Hồng Thái mới trồng được giống lê này. Trên mảnh đất của gia đình, Dương phát triển giống lê đặc sản từ 100 gốc ban đầu. Thấy cây lê cho hiệu quả kinh tế cao, Dương bàn với mẹ mở rộng thêm diện tích, trồng thêm 100 gốc lê đặc sản nữa. Ngoài lê, gia đình Dương cơi nới đất vườn trồng thêm rau sạch. Để có đầu ra ổn định Dương mày mò lên mạng xã hội tìm kiếm nguồn tiêu thụ tại thị trấn Na Hang, thành phố Tuyên Quang và cả Hà Nội. Cuối năm 2017, khi được UBND xã Hồng Thái vận động tham gia dịch vụ homestay, Dương bàn với gia đình cải tạo lại ngôi nhà mình đang ở, đóng thêm những chiếc giường mới, dệt thêm những chiếc chăn thổ cẩm để phục vụ du khách. Tháng 10-2018, mô hình homestay của Đặng Thị Dương chính thức mở cửa đón khách. Khách du lịch đến với Hồng Thái theo 2 thời điểm, thời điểm đầu năm để ngắm hoa lê, và thời điểm cuối năm để thu hoạch lê, ngắm ruộng bậc thang chín vàng và trải nghiệm dù lượn. Dương kết hợp với Đoàn thanh niên xã thành lập Câu lạc bộ hát Páo dung, Câu lạc bộ cấp sắc để có thể đem đến cho khách du lịch những ấn tượng nhất định về bản sắc quê mình. 

        Vì cộng đồng

 

Chị Lê Thị Hoa (bên trái), xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) giới thiệu sản phẩm
 
        Không giống mọi người, Lê Thị Hoa, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) biết và thạo nghề đan mây tre mỹ nghệ từ những ngày còn là cô học trò lớp 6. Hoa bảo, mình quê gốc ở Chương Mỹ (Hà Nội). Ngày còn ở quê, Hoa được mẹ và các bà, các dì dạy từ những bước đơn giản nhất. Đến lớp 7 thì Hoa đã tự tay đan được những chiếc giỏ, chiếc làn mây để mẹ đem ra chợ bán. Sau này lấy chồng, lên Phúc Thịnh lập nghiệp, thấy nhiều lao động, nhất là lao động nữ những ngày nông nhàn gần như không có khoản thu nhập gì thêm, Hoa lúc này đang làm việc tại Hội Phụ nữ xã quyết định tự mở lớp đào tạo nghề cho bà con nơi này. Lớp học là nhà mình, xưởng sản xuất cũng là nhà. Sản phẩm từ xưởng của Lê Thị Hoa khá phong phú, từ những chiếc giỏ mây, làn mây đến ấm ủ… Sản phẩm làm đến đâu, Hoa lại kết nối với các xưởng ở Chương Mỹ để bán hoặc xuất khẩu. Lê Thị Hoa bảo, hiện giờ xưởng hoạt động theo mô hình tổ hợp tác. Mong muốn lớn nhất của Hoa là có đủ nguồn lực mở một xưởng sản xuất đủ rộng để có thể tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ ở quê hương thứ hai của mình. 
        Giống như Hoa, mong ước của những thanh niên khởi nghiệp như Ma Văn Tuyển, Đặng Thị Dương đều hướng tới những người dân quê mình. Với Hoa, Tuyển, hay Dương, ngoài nguồn thu nhập ổn định, họ đều mong muốn người dân quê có được một nguồn thu nhập ổn định từ những mô hình, dịch vụ mới mà họ triển khai. Như Đặng Thị Dương, mặc dù hoạt động độc lập, nhưng Dương bảo, mình đã vận động được thêm 2 thanh niên ở Khau Tràng mở dịch vụ homestay giống mình. Tất cả mọi bước đi, công thức hoạt động, Dương đi trước hướng dẫn tận tình cho các bạn đi sau. 
        Trong số 15 dự án khởi nghiệp của thanh niên lọt vào chung khảo cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên Tuyên Quang năm 2019, có rất nhiều ý tưởng xuất phát từ cộng đồng. Như mô hình du lịch cộng đồng homestay của Hợp tác xã Thanh niên Năng Khả (Na Hang), tơ chuối Thượng Hà kết hợp du lịch làng sinh thái An farm của Hợp tác xã An Nhiên Phát, xã Khuôn Hà (Lâm Bình)… Lợi thế của những ý tưởng này là xuất phát từ chính nhu cầu cuộc sống của mình và những lao động thôn quê. Và họ, những “cánh én” khởi nghiệp đang nỗ lực từng ngày để được là người báo tin vui mùa xuân đến với quê hương.



 
Trần Liên - Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục