,

Sở hữu trí tuệ

Người trẻ khởi nghiệp

        Hòa chung với xu thế khởi nghiệp sáng tạo của tuổi trẻ cả nước, cùng với sự đồng hành của tổ chức Đoàn, những người trẻ của “Thủ đô khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến” đã và đang dần hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, quyết tâm làm giàu cho bản thân và quê hương.
        Hòa chung với xu thế khởi nghiệp sáng tạo của tuổi trẻ cả nước, cùng với sự đồng hành của tổ chức Đoàn, những người trẻ của “Thủ đô khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến” đã và đang dần hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, quyết tâm làm giàu cho bản thân và quê hương.
 
Thành đoàn Tuyên Quang tổ chức cho đoàn viên tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình trồng chanh tứ thì
của anh Khổng Văn Nam, Giám đốc HTX trồng rau và cây ăn quả xã Đội Cấn (TP.Tuyên Quang)
 
 
        Từ đam mê...

        Giám đốc trẻ Chu Anh Dương, Công ty TNHH MTV Thành Nam, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) đam mê sửa chữa thiết bị điện tử từ nhỏ. Thế rồi từ đam mê, học xong phổ thông, anh không thi đại học mà quyết định khởi nghiệp từ nghề sửa chữa máy tính khi trong tay chẳng có đồng vốn nào. Anh “liều mạng” vay lãi suất cao bên ngoài, nai lưng làm việc trả nợ như “con thiêu thân”. Vừa là chủ cửa hàng vừa là nhân viên, có thời điểm anh phải làm việc từ 12 - 15 tiếng/ngày.         Năm 2009, khi anh quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Thành Nam, khó khăn anh gặp phải không chỉ là vốn, mà còn cả sự cạnh tranh với thị trường. Thời điểm anh khởi nghiệp, khu vực thành phố Tuyên Quang có quá nhiều cửa hàng máy tính. Trong đó có nhiều siêu thị, cửa hàng của các “ông lớn” như: Thế giới di động, Viettel... Anh Dương xác định, dù doanh nghiệp có “non, trẻ” nhưng phải mạnh về uy tín và chất lượng, dịch vụ cũng phải phong phú hơn. Với phương châm kinh doanh này, bên cạnh sửa chữa, cung cấp thiết bị, hiện nay Công ty anh còn sửa chữa, đấu nối thiết bị mạng điện thoại, mạng không dây, mạng cáp quang, cung cấp thiết bị máy tính cho các dự án lớn trong và ngoài tỉnh. 
        Còn Chẩu Thanh Phương, dân tộc Tày ở thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) lại đi lên bằng chính đam mê với những đồ chơi con trẻ làm từ tre. Hiện Chẩu Thanh Phương đang là Giám đốc Hợp tác xã An Nhiên Phát. Trung bình mỗi tháng, HTX này cung cấp cho thị trường từ 1.800 đến 3.000 sản phẩm các loại như: Thìa, lược, đũa, cốc, bát, ấm chén... bằng tre, doanh thu từ 60 - 80 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của HTX đã có đại lý bày bán, giới thiệu sản phẩm tại khắp Bắc - Trung - Nam.  HTX hiện tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động là thanh niên địa phương, với thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. 

        Đến thành công

        Trải qua nhiều khó khăn, hiện nay Công ty TNHH MTV Thành Nam do anh Chu Anh Dương là giám đốc có doanh thu mỗi năm đạt 15 - 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho 13 nhân viên kỹ thuật, với mức lương trên 4 triệu đồng/người/tháng. Anh trở thành 1 trong 4 giám đốc trẻ của tỉnh được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vinh danh là doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Anh cũng là 1 trong 10 thành viên nhiệt thành của Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp của tỉnh thường xuyên tham gia các chương trình diễn đàn khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức nhằm truyền lửa khởi nghiệp sáng tạo; chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng khởi nghiệp.
        Đối với 7 chàng thanh niên của Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Thượng Lâm (Lâm Bình), họ vượt qua khó khăn về vốn bằng cách làm sáng tạo. Đó là mỗi thành viên của HTX góp vốn từ 50 - 100 triệu đồng, người không có đủ tiền sẽ góp vốn bằng đất sản xuất. Hiện HTX hoạt động đa ngành nghề với các dịch vụ chính là: Thu mua nông sản cho nông dân địa phương, chăn nuôi cá bỗng với diện tích 1.500 m2 và phát triển dịch vụ homestay. Chỉ sau nửa năm thành lập, HTX đã đứng ra kết nối và đưa đón với trên 1.200 khách du lịch đến và sử dụng dịch vụ homestay. Tự chủ động với ý tưởng khởi nghiệp của mình, HTX cũng đã được tổ chức Đoàn của tỉnh, huyện hỗ trợ, tạo điều kiện để tham dự Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn Tuyên Quang” và đoạt giải nhất. Ngay sau đó, HTX Thanh niên Thượng Lâm được chọn tham gia Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” lần thứ nhất do Trung ương Đoàn tổ chức và giành giải Ba; được Trung ương Đoàn trao gói hỗ trợ 300 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để tiếp tục phát triển ý tưởng khởi nghiệp là xây dựng một số nhà nghỉ theo mô hình homestay tại thôn Nà Tông để mở rộng phát triển dịch vụ này. 
        Có thể thấy, bên cạnh sự thành công bằng chính sự nỗ lực của mỗi thanh niên còn có sự đồng hành, quan tâm trợ giúp sát sao của tổ chức đoàn. Cùng với việc tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, Tỉnh đoàn đã thành lập Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh; tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp tại tỉnh và tại các huyện, thành phố; tập huấn để tư vấn, định hướng, cung cấp kiến thức, hỗ trợ cho ĐVTN có ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp; làm tốt vai trò cầu nối để hỗ trợ thanh niên tiếp cận chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về khởi nghiệp; triển khai có hiệu quả Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp... 
        Thành đoàn Tuyên Quang là một trong những cơ sở Đoàn có cách làm sáng tạo trong hỗ trợ các ĐVTN khởi nghiệp và truyền lửa khởi nghiệp cho ĐVTN. Đó là làm cầu nối kết nối doanh nghiệp, các chủ mô hình kinh tế có hiệu quả cao của thành phố với ĐVTN có nhu cầu khởi nghiệp; vận động các chủ mô hình kinh tế tiêu biểu hỗ trợ cung cấp giống, kinh phí đầu tư với mức 40 triệu đồng/mô hình ở năm đầu tiên. Trong năm 2018, Thành đoàn đã giúp anh Đặng Văn Bốn, thanh niên ở xã Thái Long phát triển mô hình trồng Chanh và được hỗ trợ 15 triệu đồng (ở giai đoạn đầu) để phát triển mô hình này. 
        Anh Khổng Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã trồng rau và cây ăn quả Đội Cấn (TP Tuyên Quang) cho biết, các ĐVTN sẽ chỉ phải thanh toán 50% tiền giá giống trong năm đầu tiên, 25% tiền giá giống trong năm tiếp theo khi các mô hình đó đã có thu và từ năm thứ 3 trở đi. Khi mô hình đã có thu nhập ổn định thì ĐVTN mới phải thanh toán tiếp số tiền còn lại. Trong quá trình xây dựng mô hình trồng chanh, anh sẽ trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ khi ĐVTN gặp khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm hoặc giới thiệu cho các bạn các kênh để tiêu thụ sản phẩm.  Mạnh dạn và biết tìm cho mình con đường đi đúng đắn để biến ước mơ thành hiện thực, thanh niên trong tỉnh đang dần trưởng thành trên con đường hội nhập và phát triển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


 
Thu Hương - Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục