,

Sở hữu trí tuệ

Xây dựng và phát triển Thương hiệu "Chè xanh Trung Long"

Chè xanh Trung Long là sản phẩm của Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long, thôn Trung Long, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.   
Hợp tác xã chế biến chè Ngân Sơn Trung Long được hình thành từ năm 2012 với 17 thành viên, bao gồm các hộ trong thôn có các vườn chè liền kề. Hợp tác xã cho ra đời sản phẩm chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap, đã nâng cao được chất lượng sản phẩm và giá trị của cây chè.
Các hộ trồng chè ở đây cho biết, áp dụng phương pháp sản xuất mới, chè đẹp hơn hẳn, 2 tháng thu hoạch 3 lứa, số tiền thu được gấp đôi, gấp ba trước đây.
 
1. Tình hình sản xuất kinh doanh:
Năm 2012, Chi cục Phát triển nông thôn, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện Sơn Dương  cử cán bộ đến địa bàn trồng chè của Hợp tác xã tham khảo và hướng dẫn các bước thực hiện quy trình làm chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện quy trình chăm sóc chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, tháng 10 năm 2014, Hợp tác xã với cơ sở chế biến chè Ngân Sơn Trung Long chính thức được cấp chứng nhận sản phẩm chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap. Sản phẩm được đóng gói hút chân không với bao bì, nhãn mác đẹp, khi tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ ở Hà Nội, Hải Phòng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, giá thành hợp lý.
Từ sau khi áp dụng quy trình sản xuất này chè của Hợp tác xã sản xuất được thị trường đón nhận, sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Nếu như trước đây giá bán 1kg chè khô 60.000 - 70.000 đồng/kg thì nay giá bán 1kg chè là hơn 200.000/kg. Hơn nữa, cây chè được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cho năng suất cao gấp 1,5 lần trước đó. Rõ ràng là từ khi áp dụng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, giá trị của cây chè ở vùng này đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây làm theo cách phổ thông. Hiện, chè đạt an toàn theo tiêu chuẩn VietGap của Hợp tác xã có diện tích là 6,64 ha, cơ sở chế biến có công suất 1 tấn chè búp tươi/ngày. Từ hiệu quả của mô hình này, các hộ có vườn chè vệ tinh vùng sản xuất chè an toàn đã được tập huấn và đang áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn đều mong muốn tham gia vào tổ hợp tác.
Sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap phải thực hiện theo những quy trình bắt buộc, tuyệt đối không được sử dụng phân vô cơ mà chỉ được phép dùng phân hữu cơ vi sinh. Trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bà con phải thành thục trong nhận diện các loại sâu, bệnh, việc phun thuốc phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Các thành viên trong Hợp tác xã đều có sổ nông hộ để ghi chép nhật ký ghi quy trình chăm sóc chè, thường xuyên báo cáo tổ trưởng. Tổ trưởng có bảng theo dõi lịch trình của từng hộ và lên kế hoạch chỉ đạo các hộ tiến hành các biện pháp chăm sóc cho  đúng quy trình. Mỗi hộ đều có một mã số được in trên bao bì khi đóng gói sản phẩm để dễ dàng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm. Sau 1 năm, cây chè được chăm sóc đúng quy trình thì mới đảm bảo tiêu chuẩn thu hái.
Sản phẩm chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lại được đăng ký nhãn hiệu, đóng gói hút chân không, được đưa đi giới thiệu tại một số Hội chợ ở Hà Nội, Hải Phòng và đã được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Nhờ vậy, giá bán ngày một cao, tăng gấp 2 - 3 lần so với trước kia. Một cân chè xanh Trung Long hiện được bán với giá tương đương với sản phẩm chè đặc sản Tân Cương (Thái Nguyên).

 

Giám đốc Hợp tác xã giới thiệu sản phẩm chè xanh Trung Long

Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long ngoài việc bao tiêu sản phẩm chè của 40 xã viên thì còn bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình trồng chè khác trong thôn, xã và một số xã lân cận. Dù sản phẩm Chè xanh Trung Long được “sinh sau đẻ muộn”, song những người tâm huyết với cây chè nơi đây vẫn đang ngày đêm miệt mài nâng bước cho chè Trung Long tỏa hương bay xa, để Chè xanh Trung Long trở thành món quà sức khỏe cho mọi người.
Hiện  nay, mỗi năm thị trường các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, thành phố Hồ Chí Minh...tiêu thụ 60 tấn chè của Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long, sản phẩm cung cấp đến đâu hết đến đấy. Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã thu lãi hơn 700 triệu đồng.


Một số khách hàng Đài Loan sau khi khảo sát vùng chè của Hợp tác xã, đã đánh giá vùng chè khu vực này có chất lượng cao; dự định phối hợp với Hợp tác xã sản xuất 3 loại chè đặc sản gồm Ô long, Hồng trà và Đông phương mỹ nhân. Nếu việc phối hợp thành công thì vùng chè Trung Long sẽ có giá trị rất cao, hứa hẹn đổi thay đời sống của bà con.

2. Kết quả xây dựng và phát triển thương hiệu:
Năm 2015, Hợp tác xã đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép sử dụng địa danh Trung Long để đăng ký nhãn hiệu theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè. Sở Khoa học và Công nghệ đã thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép Hợp tác xã được sử dụng địa danh Trung Long. Hợp tác xã đã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, hồ sơ đã được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ theo quy định. Số đơn: 4-2015-27869; ngày nộp: 09/10/2015.
Ngày 10/4/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Trung Long và hình cho các sản phẩm chè của Hợp tác xã, số bằng: 4-0279395-000.

 

Tin cùng chuyên mục