,

Công nghệ

Một số kết quả đánh giá, nghiệm thu đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2018

        Năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trong đó có nhiệm vụ tổ chức các Hội đồng chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh đến thời hạn kết thúc. Tính đến ngày 05 tháng 12 năm 2018, Sở đã phối hợp với các Hội đồng chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện 21 đề tài, dự án cấp tỉnh.
        Sở Khoa học và Công nghệ Tuyên Quang là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, bao gồm: Hoạt động khoa học và công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Sở theo quy định của pháp luật.

        Năm 2018, Sở đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trong đó có nhiệm vụ tổ chức các Hội đồng chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh đến thời hạn kết thúc. Tính đến ngày 05 tháng 12 năm 2018, Sở đã phối hợp với các Hội đồng chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện 21 đề tài, dự án cấp tỉnh.

        1. Một số thông tin về lĩnh vực khoa học ứng dụng

        * Dự án: Trồng thử nghiệm một số giống chè mới có năng suất cao phù hợp với điều kiện sinh thái tỉnh Xiêng Khoảng - Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
        Dự án do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang chủ trì thực hiện từ tháng 01/2015 đến tháng 12/2017 và đã được Hội đồng chuyên ngành đánh giá, xếp loại khá. Việc thực hiện dự án đã góp phần gắn kết hơn tình hữu nghị hợp tác song phương giữa hai tỉnh Tuyên Quang của Việt Nam và tỉnh Xiêng Khoảng của Lào. Với quy mô mô hình là 2,215 ha trồng thử nghiệm 4 giống chè mới gồm PH8, PH11, LDP1, LDP2. Qua theo dõi mô hình cho thấy chè tuổi 3 có tỷ lệ sống đạt từ 80 - 90%, chiều cao cây đạt 49,7 - 58,6 cm, năng suất đạt 2,95 - 4,50 tấn/ha. Dự án đã xác định, lựa chọn được 2 giống chè là PH8 và PH11 có năng suất cao, phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của tỉnh Xiêng Khoảng để nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Đã xây dựng được 01 nhà xưởng chế biến chè xanh, hướng dẫn 05 hộ dân sản xuất, chế biến được 34,4 kg chè xanh thành phẩm từ nguyên liệu chè thu hái từ mô hình. Ngoài ra, dự án đã tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại, thu hoạch, chế biến chè cho 6 kỹ thuật viên của tỉnh Xiêng Khoảng và 50 lượt người dân bản Nhót Thoong, huyện Mường Pẹc, tỉnh Xiêng Khoảng, đã xây dựng được tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến giống chè PH8, PH11 bằng hai ngôn ngữ Việt - Lào.

        * Dự án: Xây dựng và phát triển thương hiệu đối với sản phẩm "Bánh Gai Chiêm Hóa", huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
        Dự án do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang chủ trì thực hiện từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2018 và đã được Hội đồng chuyên ngành đánh giá, xếp loại khá. Dự án đã hoàn thành mô hình sản xuất bánh gai Chiêm Hóa quy mô 200 cặp/ngày, tổng số lượng đã sản xuất được là trên 2.000 cặp bánh gai đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng được nhãn hiệu tập thể và công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh gai Chiêm Hóa” do Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đồng Lộc, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa làm chủ nhã hiệu. Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Bánh gai Chiêm Hóa” đã góp phần duy trì, phát triển, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh cho một sản phẩm truyền thống mang đậm hương vị quê hương của huyện Chiêm Hóa trên thị trường, giúp tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người làm bánh gai tại địa phương.

        * Đề tài: Sử dụng tương tác của tia X với vật chất để xác định các tham số nhiệt động và cấu trúc của hệ tinh thể lập phương pha tạp.
        Đề tài do Trường Đại học Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang chủ trì thực hiện từ tháng 5/2017 đến tháng 10/2018 và được Hội đồng chuyên ngành đánh giá, xếp loại xuất sắc. Đây là một trong số ít đề tài khoa học về nghiên cứu cơ bản tại tỉnh Tuyên Quang, kết quả nghiên cứu của đề tài đã đóp góp vào việc nghiên cứu, hoàn thiện lý thuyết phổ cấu trúc tinh tế hấp thụ tia X (phổ XAFP) cùng các nhà khoa học; bước đầu khuyến khích, tạo môi trường cho nghiên cứu khoa học cơ bản phát triển theo nhóm tại các trường đại học. Nhóm nghiên cứu đã biên soạn, xuất bản được 300 cuốn sách chuyên khảo “Phổ cấu trúc tinh tế hấp thụ tia X, cơ sở và ứng dụng”, nó có ý nghĩa thực tiễn trong công tác đào tạo thạc sĩ và nghiên cứu sinh sau này tại Trường Đại học Tân Trào và một số trường Đại học khác, là tư liệu giúp sinh viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành Vật lý tra cứu, tham khảo. Đã viết và đăng được 04 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI.

        2. Một số thông tin về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn

        * Đề tài: Một số giải pháp bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
        Đề tài do Sở Khoa học và Công nghệ Tuyên Quang chủ trì thực hiện từ tháng 6/2016 đến tháng 5/2018 và được Hội đồng chuyên ngành đánh giá, xếp loại xuất sắc. Đây là đề tài đầu tiên nghiên cứu về quyền con người nói chung và quyền của người dân tộc thiểu số nói riêng được thực hiện tại tỉnh Tuyên Quang. Đề tài đã nghiên cứu, đánh giá được thực trạng quyền của người dân tộc thiểu số và đề xuất được các giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số của tỉnh Tuyên Quang. Kết quả nghiên cứu của đề tài có tính ứng dụng cao, là cơ sở khoa học giúp cho địa phương quản lý, hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với tiếp cận dựa trên quyền con người, qua đó bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số nhằm tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
* Đề tài: Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý tài chính công ở tỉnh Tuyên Quang.
Đề tài do Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang chủ trì thực hiện từ tháng 10 năm 2016 đến tháng 3 năm 2018 và được Hội đồng chuyên ngành đánh giá, xếp loại xuất sắc. Đề tài đã nghiên cứu đề cập đến vấn đề chuyên sâu liên quan đến quản lý tài chính công; phân tích, làm rõ thực trạng quản lý tài chính công, đặc biệt là hoạt động quản lý ngân sách địa phương ở tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013-2015, qua đó đề xuất 05 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý tài chính công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới theo lộ trình phù hợp. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở giúp cho các cấp lãnh đạo địa phương hoạch định chủ trương, chính sách về công tác quản lý tài chính công; làm tài liệu hỗ trợ phục vụ công tác của các cơ quan chuyên môn về quản lý tài chính công.

        * Đề tài: Nghiên cứu tư tưởng và chuẩn năng lực toán của chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) trong dạy học và kiểm tra, đánh giá để nâng cao khả năng vận động toán học vào thực tiễn cho học sinh lớp 10 ở các trường THPT trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
        Đề tài do Trường THPT Chuyên tỉnh Tuyên Quang chủ trì thực hiện từ tháng 5 năm 2016 đến tháng 4 năm 2018 và được Hội đồng chuyên ngành đánh giá, xếp loại xuất sắc. Đề tài đã đánh giá được thực trạng việc vận dụng toán học vào thực tiễn dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn toán của học sinh lớp 10 trong các trường THPT trên địa bàn thành phố Tuyên Quang trong giai đoạn hiện nay, đề xuất được 03 nhóm giải pháp nâng cao khả năng vận dụng  toán học vào thực tiễn từ đó vận dụng những tư tưởng và năng lực toán của PISA vào dạy học môn toán đối với học sinh lớp 10 của 04 trường THPT trên địa bàn thành phố Tuyên Quang; đề xuất được hướng ứng dụng mở rộng đối với tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần nâng cao năng lực vận dụng toán học vào thực tiễn cho học sinh lớp 10 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, nâng cao chất lượng dạy học môn toán cho giáo viên; ngoài ra còn cung cấp tài liệu hướng dẫn dạy và học cho giáo viên các trường THPT làm tài liệu tham khảo.

        * Kết luận: Với tinh thần và trách nhiệm cao, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang đã luôn làm tốt công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Đã phối hợp tốt với các Hội đồng chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh đảm bảo kịp thời, khách quan, hiệu quả. Thông qua việc nghiên cứu, triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học các tổ chức chủ trì, nhóm nghiên cứu đã đề xuất được các mô hình, giải pháp hiệu quả, thiết thực để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, làm cơ sở giúp cho các cấp lãnh đạo địa phương hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang năm 2018, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu và các khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.


 

Tin cùng chuyên mục