,

Công nghệ

Yêu cầu đổi mới và một số giải pháp đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh

        Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên khoảng 1.400 doanh nghiệp nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thì vấn đề đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
       Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên khoảng 1.400 doanh nghiệp nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn ít,  trong đó có các doanh nghiệp sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Chè, mía, đường, gỗ, giấy, bột giấy, khoáng sản, điện năng... Những năm gần đây, các doanh nghiệp bước đầu đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nhằm phát triển sản xuất để tăng doanh thu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhiều doanh nghiệp nhờ việc đổi mới công nghệ nên đã tận  dụng được nguyên liệu sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tạo dựng được hình ảnh và uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng như: Các doanh nghiệp sản xuất bột giấy, chè, vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, về mặt bằng chung, công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ một số ít đạt mức tiên tiến, còn lại đa số đạt mức trung bình tiến tiến hoặc trung bình. Nhiều doanh nghiệp thiết bị công nghệ còn lạc hậu chưa được cải tiến đổi mới, nhiều công đoạn sản xuất chưa ứng dụng cơ khí hóa, tự động hóa và còn mang tính thủ công, việc áp dụng công nghệ thông tin, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào công tác quản lý còn bất cập và hạn chế.

       Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thì vấn đề đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Yêu cầu chung về đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp đó là:
       - Đổi mới công nghệ phải gắn liền và phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, phải được coi là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển KHCN, đồng thời là bộ phận quan trọng trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch phát triển của các ngành.
       - Thực hiện đổi mới công nghệ một cách toàn diện và hiệu quả nhằm nâng cao năng lực công nghệ, đảm bảo quá trình phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. ĐMCN theo hướng tiếp nhận chuyển giao công nghệ là chính.
       - Đổi mới công nghệ trước hết phải xuất phát từ doanh nghiệp, do doanh nghiệp chủ động thực hiện. Nhà nước hỗ trợ trong việc tạo hành lang pháp lý, các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, thông tin, tư vấn kỹ thuật. Đồng thời phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp, các nghiệp đoàn.
       - Đổi mới công nghệ phải đảm bảo: Công nghệ không thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc cấm chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.  Dây chuyền công nghệ bảo đảm các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động và vệ sinh môi trường. công nghệ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành, lĩnh vực, góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo ra sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương và không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, xã hội, sức khỏe cộng đồng…

       Để thực hiện đổi mới công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
       - Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò quyết định của công nghệ trong sản xuất, kinh doanh để từ đó có những ưu tiên đầu tư thích đáng, phù hợp cho các doanh nghiệp trên địa bàn để phát triển, đồng thời cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc tiếp cận công nghệ mới, hiện đại để đem lại những giá trị trong sản, xuất kinh doanh.
       Thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách phát triển khoa học và công nghệ của trung ương, của tỉnh và các quy định quản lý nhà nước, các chương trình hỗ trợ phát triển, đổi mới công nghệ từ các nguồn của trung ương tới các doanh nghiệp. Thông tin về Giới thiệu, phổ biến các tiến bộ KH&CN, các công nghệ mới, tiên tiến, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để các doanh nghiệp lựa chọn áp dụng.
       - Trên cơ sở đánh giá về trình độ công nghệ, năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, cần rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển khoa học và công nghệ, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho phù hợp, trong đó có tính tới sự liên kết vùng về phát triển khoa học và công nghệ, công nghiệp trong tổng thể chung phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực của tỉnh.
       Đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ như tiêu chuẩn - đo lượng - chất lượng, phân tích - kiểm định, sở hữu công nghệ, sở hữu trí tuệ, thông tin khoa học công nghệ. Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành việc đầu tư xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung; công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, cơ sở hạ tầng, quản lý công nghệ, bảo vệ môi trường và các quy định khác liên quan.
       - Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các các doang nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất. Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 31/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
       -. Ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước cho đầu tư đổi mới công nghệ trong nhóm ngành này. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn sự nghiệp khoa học, vốn đầu tư phát triển khoa học công nghệ, vốn từ các chương trình trọng điểm quốc gia: Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia..
       Hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ.
       Phát triển thị trường công nghệ; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các triển lãm, hội chợ, chợ công nghệ-thiết bị. Kịp thời nắm bắt nhu cầu đổi mới công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thực hiện kết nối cung-cầu công nghệ cho các doanh nghiệp.   Xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá thông tin trên trang website và tham gia các sàn giao dịch điện tử; các chương trình công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý của các doanh nghiệp. Từng bước thiết lập và xây dựng mô hình Trung tâm chuyển giao công nghệ (tư vấn, môi giới, đánh giá, định giá, thẩm định, giám định công nghệ, chuyển giao công nghệ, thông tin công nghệ, triển lãm công nghệ, hội thảo khoa học,...) đóng vai trò đầu mối liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước, cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến mở rộng thị trường, tham quan, học tập mô hình, kinh nghiệm của các tỉnh, thành trên cả nước, tìm cơ hội liên kết, hợp tác phát triển công nghệ.
       - Chú trọng việc đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ lãnh đạo quản lý, đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong các doanh nghiệp để có đủ năng lực tiếp cận, làm chủ công nghệ trong lĩnh vực hoạt động chuyên ngành. Chú trọng đào tạo xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề. Xây dựng và triển khai thực tế có hiệu quả các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ với sự phối hợp tham gia giữa các viện, trường, doanh nghiệp, làm nền tảng để đào tạo trực tiếp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp cùng tham gia.
       Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc ứng dụng các công cụ quản lý tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.

 

Tin cùng chuyên mục