,

Sở hữu trí tuệ

Xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa: Khẳng định uy tín, tăng sức cạnh tranh

Xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu là một trong những yếu tố có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt trong xu thế hội nhập như hiện nay, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Sản phẩm thịt lợn sạch Sáng Nhung (Sơn Dương) được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa năm 2020 nhanh chóng khẳng định vị trí trên thị trường.

Những sản phẩm “biết mặt, đặt tên”

Kể từ khi được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa năm 2019, sản phẩm cá sạch Na Hang đã “bơi” ra được biển lớn. Ông Vi Anh Đức, Giám đốc Hợp tác xã nuôi cá Nhật Nam (Na Hang) - cơ sở nuôi cá lớn nhất khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang bảo, ngày chưa được chứng nhận nhãn hiệu Cá sạch Na Hang dù được đánh giá cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng giá trị vẫn thấp, do cá thương phẩm sau khai thác vẫn phải bán buôn cho các thương lái nhỏ lẻ trong tỉnh. 3 năm qua, với nhãn hiệu sản phẩm cá sạch Na Hang được giới thiệu và quảng bá rộng rãi, các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ), Thái Nguyên, Hải Dương... đã tìm đến ký kết đặt hàng tiêu thụ. Hiện 1 kg cá lăng chấm có giá 400 - 500 nghìn đồng tùy theo trọng lượng; cá bỗng cũng có giá 150 - 200 nghìn đồng/kg, cao hơn 25 - 30% so với trước. Ông Vi Anh Đức khẳng định, có nhãn hiệu và chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp sản phẩm cá sạch Na Hang của hợp tác xã nói riêng và sản phẩm cá Tuyên Quang nói chung vươn xa.

9 năm sau khi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm mật ong Phong Thổ của Hợp tác xã Chăn nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang (TP Tuyên Quang) từng bước khẳng định vị trí trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Anh Trần Xuân Phong, Giám đốc hợp tác xã phấn khởi cho biết, có tên tuổi, có tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm của hợp tác xã không còn phải chịu cảnh mượn tên để đi vào thị trường. Hiện hợp tác xã có 2.000 đàn ong, tăng gấp đôi so với thời điểm chưa có nhãn hiệu hàng hóa với sản lượng hàng năm khoảng 300 tấn mật, 5 tấn phấn hoa. Toàn bộ sản phẩm đang được bán trực tiếp vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và các công ty dược phẩm. Ngoài ra là xuất bán vào Công ty TNHH Mật ong Phong Sơn (Lâm Đồng) để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và 1 số nước EU.

Sản phẩm mật ong Phong Thổ, xã An Khang (TP Tuyên Quang) chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có 99 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 62 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 3 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý gồm cam sành Hàm Yên, bưởi Soi Hà (Yên Sơn), chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang).

Chiến lược nâng cao giá trị

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa giúp nông sản của tỉnh được bảo hộ quyền và lợi ích trên thị trường, đồng thời tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ. Những sản phẩm được “biết mặt, đặt tên” của tỉnh đã đi vào thị trường và khẳng định vị thế, trong đó 1 số sản phẩm đã vươn tầm khu vực, xuất khẩu ra thị trường thế giới như chè, mật ong, cá đặc sản, gỗ rừng trồng...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nông sản không chỉ là truyền miệng, cảm nhận mà sản phẩm phải được bảo đảm bằng nhãn mác, bao bì, nguồn gốc xuất xứ... nhất là trong bối cảnh hội nhập. Việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa chính là “visa” để các sản phẩm nông sản của địa phương vươn xa. Đây là lý do để tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm, đồng thời ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm.

Sản phẩm chè Ngọc Thúy của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Sử Anh (Yên Sơn) đã được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.

Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh và Nghị quyết số 03/2021/NQ của HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, hàng hóa; sản phẩm OCOP được ban hành năm 2021. Theo đó, tỉnh hỗ trợ duy trì phát triển, xây dựng thương hiệu đối với những sản phẩm đã được chứng nhận và có kế hoạch tiêu chuẩn hóa cho 209 sản phẩm tiềm năng.

Để làm được điều này, tỉnh có chính sách tín dụng, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng và quản lý nhãn hiệu (bao gồm cả thiết kế và in bao bì cho sản phẩm hàng hóa) và cấp mã số, mã vạch (bao gồm cả thiết kế và in tem truy xuất nguồn gốc) cho sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản... Đồng thời, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế kết nối phát triển thị trường trong nước tiến tới thị trường xuất khẩu.

Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện hiệu quả các chính sách của tỉnh về hỗ trợ, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của tỉnh. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh rà soát các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng để phát triển nâng cao giá trị.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục